Người công nhân có nhiều sáng kiến
Đó là mục tiêu hướng tới của kỹ thuật viên Trần Quốc Hai - Công ty TNHH nhựa Việt Nhật, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai (Hà Nội). Trong suốt quá trình làm việc, anh luôn trăn trở muốn làm nhiều việc có ích cho công ty, giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm bằng chính những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
35 tuổi, 7 năm làm việc tại công ty, từ vị trí công nhân đứng máy đến kỹ thuật viên, hầu như năm nào anh Hai cũng có sáng kiến, cải tiến và đều mang lại giá trị cao trong sản xuất. Các sáng kiến của anh đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Với vai trò là kỹ thuật viên, anh luôn mong muốn làm được một việc gì đó để áp dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, trăn trở suy nghĩ tìm cách chế tạo máy dựa trên những thiết bị sẵn có, giúp anh chị em công nhân nhàn hơn, năng suất lao động cao hơn, góp phần vào sự phát triển của công ty. Trong quá trình làm công nhân, quan sát anh chị em công nhân làm thủ công vừa tốn sức lao động, nhưng hiệu quả công việc chưa cao, anh Hai luôn tư duy, đặt bài toán cho chính mình làm thế nào để tăng năng suất, hiệu quả, giảm sức lao động của công nhân.
Đến nay, anh Hai có hơn 10 sáng kiến lớn nhỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao như sáng kiến trong công nghệ lắp ráp nhựa tự động, tăng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế, giảm đáng kể các thao tác thủ công. Người lao động chỉ việc xếp cùng lúc 30 sản phẩm lên máy và nhấn nút để máy tự động dập, tự động đẩy sản phẩm vào sóng đựng hàng.
Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu sáng kiến “cắt cước bàn chải bằng máy” thay vì cắt bằng tay thủ công vừa chậm, vừa lâu nên anh đã sáng chế ra máy cắt, tăng 3/4 hiệu suất công việc. Trước đây, khi chưa có máy cắt, người công nhân phải dùng sức để chà bàn chải vào máy cho các cước bàn chải đều nhau, công đoạn cắt 7-8 tiếng/ngày để đạt định mức sản phẩm. Từ khi có máy cắt do anh Hai chế tạo, công nhân chỉ cần đặt bàn chải lên máy và bấm nút tự động. Từ đó, cho sản phẩm vừa đều vừa đẹp, công đoạn rút lại còn 2 tiếng/ngày để đạt định mức sản phẩm.
Đặc biệt hơn, từ sáng kiến đến hoàn thiện sản phẩm “máy cắt cước bàn chải”, anh đã nghiên cứu, chế tạo trong chỉ 10 ngày với sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp. Anh không ngần ngại vẽ thiết kế trên máy tính và kiên trì lắp ráp lại nhiều lần để cho ra sản phẩm ưng ý, hiệu quả rõ rệt, sau đó nộp báo cáo lên Ban lãnh đạo công ty quyết định ứng dụng vào thực tế.
Để có được những sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, anh Hai cho biết, công nhân và người lao động phải tâm huyết với nghề, kiên trì mày mò nghiên cứu, chế tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và công đoàn công ty luôn tạo điều kiện về thời gian, sẵn sàng đầu tư kinh phí để công nhân nghiên cứu cải tiến kỹ thuật.
Bà Lê Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nhựa Việt Nhật đánh giá, anh Trần Quốc Hai là người tận tâm với công việc. Anh đã phát huy năng lực, tạo ra rất nhiều sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp, được anh em trong công ty noi theo. “Không chỉ đam mê với những sáng kiến kỹ thuật, trong mắt đồng nghiệp, anh Hai còn là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Vừa làm tốt vai trò kỹ thuật viên, dành thời gian để nghiên cứu, trực tiếp lắp ráp sản phẩm thí nghiệm, anh còn hướng dẫn đồng nghiệp, truyền cảm hứng cho mỗi công nhân tích cực lao động sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm cho công ty, không ngừng đưa ra ý tưởng cải tiến giúp tăng hiệu quả công việc, giảm sức lao động” - bà Ngọc chia sẻ.
Ghi nhận những sáng kiến giá trị của anh Trần Quốc Hai, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã công nhận sáng kiến trong công nghệ lắp ráp nhựa tự động của anh Hai là 1 trong 100 sáng kiến tiêu biểu trong phong trào “Sáng kiến sáng tạo trong Công nhân viên chức lao động Thủ đô” năm 2023.