Minh bạch để tránh lạm thu
Trước thềm năm học mới, nhiều cha mẹ có con đi học đều chung băn khoăn: Tại sao khóa mới nào vào trường, phụ huynh cũng phải đóng tiền lắp điều hòa, máy chiếu, rèm cửa… Trong khi những đồ dùng, vật dụng ấy vẫn ở nguyên đó, không hề bị tháo mang đi.
Chỉ còn khoảng hơn 1 tuần nữa là năm học 2023-2024 chính thức bắt đầu. Hàng loạt các khoản phải chi như đồng phục, tiền bảo hiểm y tế, ăn bán trú (nếu có nhu cầu); sinh hoạt các câu lạc bộ như cờ vua, cờ tướng, múa, võ, mỹ thuật, tiền điều hòa, nước uống, vệ sinh, chăm sóc bán trú… là nỗi lo của không ít phụ huynh.
Cùng với đó, vẫn còn xảy ra tình trạng có nhà trường bắt buộc học sinh phải sử dụng vở ghi, giấy kiểm tra… do nhà trường phát hành hoặc đồng phục của trường thay đổi mẫu liên tục khiến phụ huynh tốn kém không ít nhưng vẫn ngậm ngùi theo.
Phải nhấn mạnh, lạm thu không phải chỉ đến từ nhà trường mà nhiều khi đến từ chính phụ huynh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ việc hô hào, chia bình quân tiền ủng hộ trang bị cơ sở vật chất, đóng quỹ lớp với số tiền lớn đến việc vung tay sử dụng tiền quỹ lãng phí, mua sắm đồ dùng tràn lan, không cần thiết… với câu cửa miệng “không đáng là bao” cũng vô hình chung góp phần đẩy lạm thu lên cao hơn.
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có những quy định rõ về các khoản thu trong nhà trường, thế nhưng, cứ đầu năm học, chuyện lạm thu lại là vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Trước đó, vào hồi tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản trả lời cử tri về kiến nghị xem xét chức năng của Hội cha mẹ học sinh khi để xảy ra “vấn nạn” nhiều khoản thu không đúng quy định trong thời gian qua. Bộ nhìn nhận, hiện nay vẫn còn có tình trạng một số trường chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định, gây bức xúc cho phụ huynh.
Điều 10 Thông tư số 55/2011 của Bộ GDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu 7 khoản gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Theo quy định, những khoản nhà trường được phép thu gồm có: Học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của địa phương; Bảo hiểm y tế: Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế (mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng). Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, phần còn lại 70% học sinh tự đóng.
Các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng, sở dĩ chuyện thu chi trong nhà trường luôn gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và luôn “nóng” trên các diễn đàn bởi nhiều cơ sở giáo dục không làm đúng quy định, gây mất niềm tin của phụ huynh với nhà trường. Vì vậy, nếu các cơ sở giáo dục thực hiện mọi khoản thu chi theo đúng quy định, phụ huynh học sinh được quyền giám sát thì những chuyện thu chi sẽ không còn gây ồn ào nữa.
Hơn thế, việc minh bạch trong thu chi cũng tạo được niềm tin của phụ huynh, xã hội khi nghĩ về 2 chữ “tiền trường”. Nếu không minh bạch, những khoản lạm thu rất khó mất đi hoặc sẽ biến tướng, núp bóng dưới hình thức khác, trong đó có hình thức tự nguyện kiểu… ép buộc. Điều này khiến phụ huynh tay mở ví đóng tiền, nhưng trong lòng lại rất bực bội, thậm chí bức xúc với quá nhiều khoản thu được vẽ ra.