Sôi động cuộc đua không gian

Hà Anh 25/08/2023 10:49

Sự đổ bộ thành công lên cực Nam Mặt trăng của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đang mở ra cuộc đua không gian mới, một cuộc đua không chỉ có ý nghĩa về khoa học, chính trị, về uy tín quốc gia, mà còn ở một mặt trận mới - đó là ngân sách tài trợ.

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ. Ảnh: CNN.

Sứ mệnh lịch sử của Ấn Độ

Tối 23/8 (theo giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện cú đáp mang tính lịch sử xuống bề mặt của Mặt trăng, chính thức trở thành quốc gia thứ 4 đặt chân lên hành tinh này.

Sứ mệnh này đã giúp củng cố vị thế của Ấn Độ như một siêu cường toàn cầu trong lĩnh vực không gian. Trước đây, chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ hoàn thành việc hạ cánh mềm trên bề mặt Mặt trăng.

Địa điểm hạ cánh của Chandrayaan-3 cũng gần cực Nam của Mặt trăng, được coi là khu vực có lợi ích chiến lược và khoa học quan trọng đối với các quốc gia du hành vũ trụ, vì các nhà khoa học tin rằng khu vực này là nơi có trữ lượng lớn băng nước. Nước đóng băng trong các miệng hố tối tăm có thể được chuyển thành nhiên liệu tên lửa hoặc thậm chí là nước uống cho các phi hành đoàn trong tương lai.

Sứ mệnh Chandrayaan-3 đánh dấu nỗ lực thứ hai của Ấn Độ nhằm hoàn thành cuộc đổ bộ có kiểm soát lên Mặt trăng. Nỗ lực đầu tiên vào năm 2019 đã chứng kiến tàu đổ bộ Chandrayaan-2 đâm xuống bề mặt Mặt trăng do sự cố phần mềm và khó phanh khi hạ cánh.

“Ấn Độ hiện đã ở trên Mặt trăng” - Thủ tướng Modi cười rạng rỡ khi phát biểu qua video với phòng điều khiển của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO). Mặc dù đang có chuyến công tác tại Nam Phi, ông Modi khẳng định, tâm trí đang hướng về sứ mệnh Chandrayaan-3 giống như mọi người dân cả nước. Tổng thống Modi nhiệt liệt chúc mừng phòng điều khiển ISRO và toàn thể người dân Ấn Độ vì thành tích quan trọng này.

Được biết, ngoài việc trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới ghi dấu ấn trên Mặt trăng, Ấn Độ chính là nước đầu tiên hạ cánh trên cực Nam của thiên thể này.

Trạm đổ bộ Vikram trên tàu vũ trụ Chandrayaan-3 mang theo một robot nhỏ gọi là Pragyan. Bộ đôi chạy bằng năng lượng Mặt trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày trên Mặt trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái đất), trước khi màn đêm ở Mặt trăng (cũng dài bằng 14 ngày Trái đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.

Cuộc đua không hồi kết

Cuộc cạnh tranh bất ngờ trong việc tìm cách tiếp cận một khu vực chưa được khám phá trước đây trên Mặt trăng đã gợi lại cuộc chạy đua vũ trụ vào những năm 1960, khi Mỹ và Liên Xô cạnh tranh. Nhưng giờ đây, không gian là một công việc kinh doanh và cực Nam của Mặt trăng là một phần thưởng khoa học to lớn nhờ lượng băng nước ở đây - cái mà các nhà quy hoạch kỳ vọng có thể hỗ trợ cho việc định cư trên Mặt trăng, các hoạt động khai thác mỏ và các sứ mệnh cuối cùng tới Sao Hỏa.

Ngay từ những năm 1960 - trước khi tàu Apollo hạ cánh lần đầu tiên trên Mặt trăng - các nhà khoa học đã suy đoán rằng, nước có thể tồn tại trên hành tinh này. Các mẫu mà phi hành đoàn Apollo gửi lại để phân tích vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 dường như đã khô.

Năm 2008, các nhà nghiên cứu của Đại học Brown đã xem xét lại các mẫu Mặt trăng đó bằng công nghệ mới và tìm thấy hydro bên trong các hạt thủy tinh núi lửa nhỏ. Vào năm 2009, một thiết bị của NASA trên tàu thăm dò Chandrayaan-1 của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã phát hiện ra nước trên bề mặt của Mặt trăng.

Cùng năm đó, một tàu thăm dò khác của NASA đi tới cực Nam đã tìm thấy nước đóng băng bên dưới bề mặt của Mặt trăng.

Gần đây, Nga đã cân nhắc vai trò trong chương trình Artemis của NASA cho đến năm 2021, khi cho biết nước này sẽ hợp tác thay thế chương trình Mặt trăng của Trung Quốc. Một số chi tiết về nỗ lực đó đã được tiết lộ.

Trung Quốc đã thực hiện lần hạ cánh mềm đầu tiên ở phía xa của Mặt Trăng vào năm 2019 và nhiều nhiệm vụ đã được lên kế hoạch. Công ty nghiên cứu vũ trụ Euroconsult ước tính, Trung Quốc đã chi 12 tỷ USD cho chương trình không gian năm 2022.

Hơn chục quốc gia lên kế hoạch thực hiện các sứ mệnh lên Mặt trăng trong những năm tới, bao gồm cả sứ mệnh do Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản, dự kiến ​​sẽ cất cánh vào cuối tháng này. Mỹ cũng có kế hoạch gửi 3 tàu đổ bộ lên Mặt trăng, trong khi NASA tiếp tục nỗ lực hướng tới sứ mệnh Artemis III, có thể đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng ngay sau năm 2025.

Với sự thúc đẩy của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã tư nhân hóa các vụ phóng vào không gian và đang tìm cách mở cửa lĩnh vực này cho đầu tư nước ngoài khi nước này đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần thị phần của mình trên thị trường phóng vệ tinh toàn cầu trong thập kỷ tới.

Sự thành công của Chandrayaan-3 mang lại kỳ vọng lĩnh vực vũ trụ của Ấn Độ sẽ tận dụng được danh tiếng về kỹ thuật để cạnh tranh về chi phí. ISRO có ngân sách chỉ khoảng 74 triệu USD cho sứ mệnh này.

Để so sánh, NASA đang trên đà chi khoảng 93 tỷ USD cho chương trình Mặt trăng Artemis cho đến năm 2025, tổng thanh tra cơ quan vũ trụ Mỹ ước tính.

Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố: “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc hạ cánh trên Mặt trăng là một thách thức thực sự. Nhưng Mặt trăng mang lại phần thưởng khoa học to lớn, đó là lý do tại sao gần đây chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nỗ lực khám phá bề mặt hành tinh này”.

Hà Anh