Giá thép rẻ nhất 3 năm qua, có loại thép giảm 810.000 đồng/tấn
Giá thép hôm nay 25/8 tại thị trường trong nước ổn định so với ngày hôm qua. Nguồn cung bất động sản sẽ dần hồi phục trong những quý tới trước khi bứt phá kể từ nửa cuối năm 2024, qua đó thúc đẩy nhu cầu thép.
Đà giảm của giá thép xây dựng trong nước vẫn chưa dừng lại. Một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm 100.000-810.000 đồng/tấn đối với các sản phẩm thép xây dựng.
Theo số liệu từ Steel Online, so với lần điều chỉnh vào ngày 17/8, ở đợt giảm giá lần này, thương hiệu Thép Vina Kyoei có mức giảm mạnh nhất. Theo đó, ở khu vực miền Nam, Thép Vina Kyoei đồng loạt giảm 810.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống lần lượt 14,82 triệu đồng/tấn và 15,02 triệu đồng/tấn.
Tương tự, tại lần điều chỉnh này, Thép Hòa Phát cũng giảm giá rất mạnh cho các sản phẩm.
Cụ thể, tại miền Bắc, Thép Hòa Phát tiến hành giảm 410.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá của hai dòng thép này lần lượt ở mức 13,53 triệu đồng/tấn và 13,74 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung, Thép Hòa Phát giảm 210.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, về mức giá 13,53 triệu đồng/tấn; thương hiệu này giảm 150.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá còn 13,74 triệu đồng/tấn.
Còn tại khu vực miền Nam, Thép Hòa Phát giảm tới 510.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, giá còn 13,53 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 được giảm 200.000 đồng/tấn, giá về mức 13,79 triệu đồng/tấn.
Cùng xu hướng, Thép Việt Sing tại miền Bắc giảm 200.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá còn lần lượt là 13,3 triệu đồng/tấn và 13,5 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, Thép Tung Ho giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hai mặt hàng thép của thương hiệu này đang ở mức giá 13,5 triệu đồng/tấn và 13,65 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Ý tại miền Bắc cũng tiến hành giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá còn 13,69 triệu đồng/tấn; dòng thép CB240 của thương hiệu này vẫn giữ nguyên ở mức giá 13,64 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức tại miền Trung giảm 100.000 đồng/tấn với dòng D10 CB300, giá xuống mức 14,14 triệu đồng/tấn. Còn dòng thép CB240 ở miền Trung vẫn giữ giá 14,04 triệu đồng/tấn.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã trải qua 18 lần giảm liên tiếp, tuỳ thương hiệu mà tần suất điều chỉnh giá khác nhau.
Hiện giá thép trong nước dao động phổ biến quanh mức 13-14 triệu đồng/tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khởi sắc trở lại. VSA nhận định giá thép xây dựng vẫn có khả năng hạ tiếp trong thời gian tới.
Ngoài ra, tháng 7 âm lịch thường được quan niệm là "tháng cô hồn" nên thông thường có ít dự án mới được động thổ trong tháng này, hoạt động khởi công, xây dựng trong cư dân cũng giảm. Điều này cũng kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh.
Giá thép trên thế giới cũng có nhiều biến động. Trên sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), giá thép cây giao tháng 5/2024 tăng 18 nhân dân tệ, lên mức 3.677 nhân dân tệ/tấn (khoảng 12,1 triệu đồng/tấn).
Giá quặng sắt cũng tiếp tục tăng hơn 5%, do sự lạc quan về triển vọng nhu cầu tại quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới này một phần được thúc đẩy bởi các biện pháp chính sách hỗ trợ.
Các nhà phân tích rằng việc Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế có thể thúc đẩy sự phục hồi của thị trường kim loại trên diện rộng.