Sim rác, cuộc gọi rác vẫn ‘hoành hành’: Bao giờ đến hồi kết?
Mặc dù cơ quan chức năng và các nhà mạng đã có nhiều biện pháp trong việc siết chặt quản lý, dốc sức xoá sim rác, không để sim rác quấy nhiễu xã hội, thế nhưng đến nay, tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn đang bủa vây, làm phiền người tiêu dùng.
Chưa có hồi kết?
Cứ cách vài ngày, chị Hoàng Khánh Phương (24 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) lại nhận được các cuộc gọi với đầu số lạ. “Hết cuộc gọi giới thiệu là nhân viên các công ty đang phát triển thương hiệu trên sàn thương mại tuyển cộng tác viên bán hàng đến thông báo trúng thường mini game,… Không chỉ gọi điện làm phiền, những người này còn liên tiếp gửi tin nhắn và những đường link lạ và yêu cầu làm theo hướng dẫn”, chị Phương cho biết.
Do thường xuyên theo dõi thông tin trên báo chí, chị Phương đã chặn hết các số lạ này, đồng thời không làm theo yêu cầu của các tin nhắn rác, không truy cập vào những đường link được gửi.
“Tuy nhiên, cứ chặn số này thì một thời gian sau lại có số khác gọi tới làm phiền. Dù khó chịu cũng không làm được gì”, chị Phương bức xúc.
Tình trạng các cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo lừa đảo, làm phiền người dùng đã xuất hiện thời gian dài gây nhức nhối cho người dân. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ‘ra quân’ chiến dịch rầm rộ ‘quét’ sim rác.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin chính chủ với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác.
Tuy nhiên, thực tế tình trạng này vẫn tái diễn dai dẳng, chưa có hồi kết. Một trong những nguyên nhân là việc mua sim rác vẫn còn rất dễ dàng tại các cửa hàng, đại lý, thậm chí cả trên mạng xã hội.
Đáng nói hơn, theo các chuyên gia, bên cạnh các sim điện thoại truyền thống, các địa chỉ IP nước ngoài cũng cho phép tạo tài khoản và tạo cuộc gọi không khác gì cuộc gọi thường nhưng không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại Việt Nam. Đây cũng là một thách thức với các cơ quan quản lý.
Nâng cao nhận thức người dân
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, về việc các đối tượng sử dụng sim rác hay sim không được đăng ký chính chủ, đăng ký thông tin giả mạo để thực hiện các cuộc gọi rác đã xảy ra thời gian dài.
Nếu các đối tượng chỉ có hành vi dùng sim rác gọi điện để chào mời quảng cáo mà không có hành vi vi phạm pháp luật nào khác như lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản… thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi giả mạo thông tin để giao kết hợp đồng dịch vụ viễn thông.
Trong trường hợp này xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực viễn thông với hình thức xử phạt là: Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các số thuê bao từ 10 tháng đến 12 tháng với số lượng sim vi phạm dưới 200 sim, trường hợp số lượng sim vi phạm trên 200 sim thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Trường hợp các đối tượng gọi điện đến nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đe dọa tống tiền… thì bị xử lý theo quy định về các hành vi đó. Cụ thể, đối tượng mạo danh cơ quan tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, bị kết án về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân.
Dưới góc nhìn chuyên gia an ninh mạng, ông Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn Không mạng quốc gia (NCSC, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này, tuy nhiên sự cảnh giác của người dân vẫn là điều tối quan trọng.
Chuyên gia khuyến cáo, khi nhận được tin nhắn quảng cáo nào mang tính chất lừa đảo, kiếm tiền, đầu tư hay bất kỳ sự nghi ngờ nào, người dùng cần phải chặn ngay số điện thoại và chuyển thông tin đó lên trang web chongthurac.vn của Chính phủ.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dùng cũng phải phải trang bị đầy đủ các kiến thức, phải hiểu rõ rằng khi đăng tải những thông tin cá nhân lên mạng xã hội nguy hiểm như thế nào, cùng với đó nâng cao nhận thức về cách xử lý khi nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác, sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để truy vết ra các đối tượng lừa đảo.