'Biến rác thành tiền' tặng người nghèo
Không những góp phần làm sạch môi trường sống, rác thải còn được chị em phụ nữ ở Bạc Liêu thu gom, phân loại đem bán gây quỹ mua thẻ bảo hiểm y tế tặng người nghèo, giúp đỡ học sinh, hội viên khó khăn.
Cứ từ 2-4 tuần nhiều chị em phụ nữ lại mang túi, bao tải đựng đầy chai lọ, lon bia, bìa các - tông đến giao cho cán bộ hội phụ nữ. Hoạt động này hưởng ứng mô hình “Biến rác thải thành tiền” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) triển khai rộng khắp tại 6 chi hội phụ nữ từ năm 2022 đến nay.
Từ khi triển khai, tình trạng xả rác thải bừa bãi trong các khu dân cư được khắc phục đáng kể. Bằng nguồn quỹ thu được từ bán phế liệu, các chi hội đã hỗ trợ tiền và tặng quà, mua bảo hiểm y tế tặng người nghèo, giúp đỡ trẻ em nghèo, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Ngọc Thu - Chi Hội trưởng chi Hội phụ nữ khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) cho biết, mỗi tháng một lần, rác thải phế liệu sẽ được tập kết tại nhà kho để đem bán. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được trích ra để mua thẻ bảo hiểm y tế tặng chị em phụ nữ nghèo, bệnh tật giúp họ giảm bớt một phần gánh nặng cho gia đình. “Việc gom phế liệu không những giúp xóm làng sạch đẹp, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn có thể giúp đỡ những chị em trong xóm có hoàn cảnh khó khăn, nên chúng tôi ai cũng nhiệt tình ủng hộ” - chị Thu chia sẻ.
Đơn cử, trường hợp chị Nguyễn Thị Tú Hoa (ở khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát) mắc bệnh nan y, hoàn cảnh rất khó khăn, 4 mẹ con phải sống nhờ ở nhà người dì. Cảm thương với hoàn cảnh của chị Hoa, Hội LHPN phường Nhà Mát đã dùng số tiền thu được từ mô hình “Biến rác thành tiền” hỗ trợ lương thực, mua tặng chị thẻ bảo hiểm y tế.
“Hàng tháng, khi thu gom rác bán ra đều công khai số tiền được chi Hội trưởng ghi vào sổ rồi dùng số tiền đó hỗ trợ tiền cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, gia đình hội phụ nữ khó khăn, người già neo đơn. Đến nay, mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội phụ nữ phường Nhà Mát đã mua 38 thẻ bảo hiểm y tế, hàng trăm kg gạo, nhiều nhu yếu phẩm, sửa cho người nghèo, trẻ em nghèo…” - chị Danh Hoàng Yến - Chủ tịch Hội LHPN phường Nhà Mát cho biết.
Trước hiệu quả của mô hình “Biến rác thành tiền”, vào đầu tháng 6/2023, Hội LHPN phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) tiếp tục thành lập 2 “Ngôi nhà xanh”. Cứ cách 1 tuần/lần, Hội tổ chức bán phế liệu từ 2 “Ngôi nhà xanh”. Mỗi lần bán thu được từ 250.000 - 400.000 đồng, số tiền này dùng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật và hội viên, phụ nữ mắc bệnh ngặt nghèo, giúp họ có điều kiện chữa trị bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Hội LHPN huyện Phước Long cũng vừa thành lập 3 “Ngôi nhà xanh” ở xã Hưng Phú, thị trấn Phước Long và xã Phong Thạnh Tây A. Sau khi “Ngôi nhà xanh” được lấp đầy, các thành viên của mô hình tiến hành phân loại và hàng tháng đem bán phế liệu. Số tiền thu được để thăm hỏi, tặng quà hội viên phụ nữ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Từ việc bán rác thải tái chế, các chi hội đã làm nhiều việc có giá trị và ý nghĩa. Từ những vật dụng bỏ đi được chị em phụ nữ thu gom để xây dựng quỹ hội. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thay đổi nhận thức của các thành viên trong gia đình về việc phân loại rác, tạo nên những nguồn lợi từ rác. Những nguồn quỹ để chăm lo hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi vươn lên trong cuộc sống được nhân lên từng ngày nhờ những “Ngôi nhà xanh”, nhờ sự gắn kết, chung tay của các hội viên.
Theo bà Trương Kim Khuyến - Chủ tịch Hội LHPN TP Bạc Liêu, thành phố đang phấn đấu xây dựng trở thành đô thị loại I vào năm 2025, vấn đề vệ sinh môi trường rất quan trọng và cần thiết, phụ nữ toàn thành phố tiếp tục duy trì và nhân mô hình “Biến rác thải thành tiền”, “Ngôi nhà xanh” ở tất cả các phường, xã của thành phố. Qua đó nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thay đổi nếp nghĩ cách làm, chung tay phòng, chống rác thải nhựa và phân loại rác thải tại hộ gia đình, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, giúp người dân nâng cao ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình giữa các hội viên, phụ nữ và người dân ở cộng đồng dân cư.