Một nhà thờ đẹp, một tâm hồn đẹp

Hoàng Yến 26/08/2023 09:26

Linh mục Gioan Bosco Hoàng Văn Chính, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Lâm Đồng, Tổng đại diện Giáo phận Đà Lạt đã nhắc tới “một tâm hồn đẹp” với các vị linh mục, tu sĩ, các sơ và bà con giáo dân trong Lễ tạ ơn, làm phép Nhà thờ Giáo sở Đăng Srỗn, Giáo hạt Đức Trọng. Một nhà thờ mới được khánh thành sẽ góp phần nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp để lo trọn việc đạo, chung tay việc đời. Điều này cũng tương trùng với những mong mỏi của ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương và Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh khi tới chung vui cùng với bà con giáo dân nơi đây.

Từ trái qua: Ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận trung ương, Linh mục Gioan Bosco Hoàng Văn Chính, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh tại ngày lễ khánh thành Nhà thờ Đăng Srỗn

Tây Nguyên mùa mưa. Những cơn mưa “vàng” ngấm sâu vào lòng đất, tưới tắm cho hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu. Những cánh rừng bát ngát một màu xanh. Những dòng sông lại cuồn cuộn nước về. Sau cơn mưa, đất trời, cây cối, con người trên mọi nẻo đường lại như tươi mới hơn. Trong sớm mai còn ướt lạnh hơi sương, ai cũng chọn cho mình một bộ đồ đẹp nhất. Hoạ tiết thổ cẩm trên những chiếc áo, váy của đồng bào dân tộc K’Ho, Chill, Mông…xen lẫn trong những tà áo dài thướt tha, hoà trong tiếng cồng chiêng rộn ràng như một bức tranh rực rỡ sắc màu. Bức tranh mang âm hưởng của tình đoàn kết bởi tất cả đều chung một niềm vui trong ngày lễ tạ ơn, làm phép Nhà thờ của Giáo sở.

Nhà thờ Đăng Srỗn nằm trên địa phận thôn Ninh Thiện, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ninh Gia là một cộng đồng dân cư đa sắc tộc, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc K’Ho. Năm 2005, Nhà thờ Đăng Srỗn được thành lập. Từ lúc mới chỉ có hơn 200 giáo dân, đến nay, Giáo sở đã có trên 3.000 người.

Dòng người chan chứa niềm vui về dự ngày lễ trọng.

Trong dòng người chan chứa niềm vui về dự ngày lễ trọng, chúng tôi gặp giáo dân Nguyễn Thị Điệp ở thôn Ninh Hòa. Sinh sống tại mảnh đất này từ năm 1976, bà Điệp bảo khi ấy người dân chủ yếu đều là du canh du cư, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, muốn đi lễ Nhà thờ, bà con phải lặn lội mười mấy cây số ra trung tâm Đức Trọng. Người thì đi bằng xe máy cày, người đi bộ, vất vả lắm nhưng bởi giàu lòng đức tin, giàu lòng mến Chúa nên ai cũng gắng vượt qua. Cho nên, khi được chính quyền tạo điều kiện giao đất, các cha nỗ lực mỗi ngày để Nhà thờ Đăng Srỗn được khởi công, xây dựng, hoàn thiện, ai nấy đều hạnh phúc. “Từ nay chúng tôi không phải đi lại vất vả. Có một nơi thờ Chúa khang trang, lại ở ngay gần mình, Chủ nhật nào tôi cũng được đi lễ”, bà Điệp vui mừng chia sẻ.

Giáo sở được các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm, hỗ trợ giao đất, hỗ trợ thủ tục để xây nhà thờ.

Đối với ông Ha Nghit, Thư ký của Ban thường vụ Nhà thờ, ngày hôm nay là một ngày trọng đại. Ông bảo, mấy đêm thao thức không ngủ được, phần vì lo cùng mọi người trong Nhà thờ chuẩn bị cho ngày lễ, phần vì vui sướng không biết diễn tả như thế nào cho hết tâm tình. Là một người con của đồng bào dân tộc K’Ho, gắn bó với vùng đất này, ông Ha Nghit đã chứng kiến Nhà thờ Đăng Srỗn khi mới thành lập chỉ bằng những tấm ván, tấm nứa được dựng lên, thiếu thốn trăm bề, có lúc phải nhờ nhà người dân để làm lễ. Từ đó đến nay, Giáo sở được các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm, hỗ trợ giao đất, hỗ trợ thủ tục để xây nhà thờ.

Có nhà thờ mới khang trang hơn, bà con giáo dân, các linh mục, nam nữ tu sĩ càng hăng say sống tốt đời đẹp đạo.

Với kinh nghiệm của một người từng nhiều năm làm Phó trưởng thôn Ninh Thiện, có 2 nhiệm kỳ là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Ninh Gia, ông Ha Nghit đã dốc lòng dốc sức góp một phần nhỏ bé của mình để giúp các cha xây dựng nhà thờ này. Lúc thì chạy lo giấy tờ, thủ tục pháp lý, lúc lại tận dụng những thứ mà người dân không dùng mang về xây nhà thờ. Từng viên gạch, từng khung sắt ở nơi này đều thấm đẫm mồ hôi công sức của ông và biết bao người.

Trên mảnh đất màu mỡ vừa được tưới tắm bởi cơn mưa, những cây hồ tiêu, cà phê cũng bắt đầu trổ lá. Nhìn ra triền đồi đã lên xanh, trong đôi mắt sáng, nụ cười hiền hậu của người giáo dân dân tộc K’Ho ấy ánh lên niềm tin mãnh liệt từ chính đôi bàn tay của mình. Ông Ha Nghit bảo, được chính quyền quan tâm và khi vào Nhà thờ được các cha giảng dạy, bà con ở đây, dù còn nghèo khó nhưng luôn ý thức không ỷ lại trông chờ, chủ động tiếp cận với kỹ thuật nuôi trồng, tiếp cận với giống, vốn...để vươn lên. Từ nay có nhà thờ mới khang trang hơn, bà con giáo dân càng hăng say sống tốt đời đẹp đạo.

Đội thánh ca Nhà thờ.

Trong những năm qua, triết lý nhân sinh "tốt đời đẹp đạo” luôn động viên đồng bào các tôn giáo, trong đó có Công giáo và nhân dân cả nước đồng lòng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Chính bởi thế, ở đâu có người Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương.

Tinh thần này cũng được Linh mục Gioan K’Blel thực hiện trong các sứ vụ của mình. Về quản nhiệm Giáo sở Đăng Srỗn từ năm 2020 sau khi đã trải qua các sứ vụ ở Giáo hạt Di Linh, Giáo hạt Bảo Lộc, Linh mục Gioan K’Blel được người dân ở đây thương mến gọi là Cha sở.

Cha sở Gioan K’Blel bảo rằng, trách nhiệm của người mục tử như ông là Chúa cần ở đâu ông sẽ ở đó: “Chỉ cần báo trước 2 tiếng tôi lại sẵn sàng lên đường”. Theo Cha sở Gioan K’Blel, cuộc sống của người dân ở Giáo sở còn nhiều khó khăn thiếu thốn, cho nên thao thức của ông là làm sao để người dân thoát nghèo. Ngoài việc quan tâm, hỗ trợ cho các gia đình nghèo, trong các buổi lễ dành cho thiếu nhi, Cha sở đặc biệt chú trọng đến công tác động viên, khích lệ tinh thần học tập cho các em nhỏ. “Các em là tương lai của quê hương, đất nước. Và chỉ có con đường học tập là con đường bền vững nhất để thoát nghèo về kinh tế, thoát nghèo về tri thức”, Cha sở Gioan K’Blel nhấn mạnh.

Từ trái qua: Cha sở Gioan K’Blel trao đổi với ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận trung ương, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh

Điều quan trọng mà Cha sở Gioan K’Blel cũng luôn nhắc tới là một trái tim biết yêu thương. Nếu chúng ta vào nhà thờ, đọc kinh mà trái tim lại khô cằn, không biết yêu thương thì vô ích. Yêu thương phải xuất phát từ trái tim. Đó là điều là hết sức quan trọng trong cuộc sống của mỗi người Công giáo. Ngắm nhìn Nhà thờ trước giờ làm lễ, Cha sở xúc động bảo rằng, công trình này được dựng xây bằng sự yêu thương như thế, bằng sự chung tay như thế, từ chính quyền các cấp cho đến các linh mục tiền nhiệm và cộng đồng giáo dân. Có người công khai, có người thầm lặng. Người góp của. Người góp công. Người góp bằng những lời cầu nguyện. Trong đó, Cha sở Gioan K’Blel nhắc nhiều đến Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh- người đã kết nối, cùng chính quyền quan tâm hỗ trợ giao đất, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho nhà thờ từ năm 2013.

10 năm trôi qua, Nhà thờ Đăng Srỗn nay đã hoàn thiện. Từ lúc chỉ có hơn 200 giáo dân, nay Giáo sở đã có trên 3000 người. Sự phát triển của Giáo sở là một minh chứng sinh động cho chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tôn trọng tự do tín ngưỡng – tôn giáo cùng với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Vatican đang tiến triển tốt đẹp đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào Công giáo.

Ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương tặng hoa chúc mừng Giáo sở và gửi tặng 2 phần quà của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đến xã Ninh Gia.

Đối với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, đây là một Tin Mừng trên hành trình đến với đồng bào dân tộc không chỉ ở Đăng Srỗn mà còn cả vùng Tây Nguyên. Tước phẩm Hiệp sĩ có từ năm 1831 thể hiện sự tri ân của Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội và xã hội. Ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tặng tước phẩm Hiệp sĩ từ năm 2007. Nhưng khi nói về mình, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh chỉ nhận mình là người đem đến bác ái và yêu thương. Và dù chúng ta theo một hay nhiều tôn giáo, niềm tin của chúng ta đặt để ở một đấng linh thiêng nào đi chăng nữa thì chúng ta chỉ có một nguồn cội, đó là Mẹ Tổ quốc Việt Nam, nơi cho chúng ta làm người và làm tín đồ tôn giáo. Vì vậy trách nhiệm của tín đồ tôn giáo là tỏa sáng đức tin bằng những hành động thiết thực để phục vụ dân tộc và bảo vệ dân tộc.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh bắt nhịp bài hát "Một mẹ trăm con"cùng với đồng bào dân tộc ở Giáo sở Đăng Srỗn.

Như lời bài hát “Một mẹ trăm con” mà Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã bắt nhịp hát vang cùng với bà con ở Giáo sở Đăng Srỗn : “Xưa khi xưa, mẹ đẻ ra, trăm cái trứng, sinh lũ con, trăm đứa con cùng một giòng...”. Vì vậy, trong lời chia sẻ niềm vui của ông với bà con dân tộc nơi đây còn là mong mỏi về sự yêu thương, đoàn kết, tôn trọng và nâng đỡ nhau. “Đừng nghe theo lời người xấu mà hãy tích cực xây dựng đời sống cho bản thân mình, bằng nỗ lực và ý chí tìm hạnh phúc từ trong gian khó để vươn lên” Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.

Điều này cũng tương trùng với mong mỏi của ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, “ sau khi có nhà thờ khang trang, hằng ngày có nơi hành lễ tạ ơn Đức Chúa, bà con tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống văn hóa để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn”.

Gia đình Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao tặng 350 phần quà đến bà con đồng bào dân tộc.

Một nhà thờ mới được khánh thành sẽ góp phần nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp vừa lo trọn việc đạo vừa chung tay việc đời. Như Sứ điệp của Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắn nhủ toàn thể đồng bào Công giáo ở Việt Nam: "Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt" và Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm".

Ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương và gia đình Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cùng các bạn đồng hành chụp ảnh lưu niệm với các Linh mục thuộc Giáo sở Đăng Srỗn, Giáo hạt Đức Trọng.

Nhân dịp này, bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã gửi tặng 2 phần quà đến Quỹ xoá đói giảm nghèo và Quỹ khuyến học xã Ninh Gia. Gia đình Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và các bạn đồng hành đã trao tặng 350 phần quà đến bà con đồng bào dân tộc; 30 phần học bổng cho các em học sinh và phần quà đến Nhà thờ Đăng Srỗn để có điều kiện hoạt động, chăm lo cho bà con giáo dân tốt hơn trong thời gian tới.

Hoàng Yến