Bảo vệ môi trường từ gốc

THÀNH LUÂN 26/08/2023 08:30

TP Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả ban đầu từ triển khai Chỉ thị 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (gọi tắt là CVĐ). Thế nhưng ở nhiều nơi trên địa bàn lại chưa thể xử lý tận gốc.

MTTQ phường Long Trường, TP Thủ Đức vận động người dân, hộ kinh doanh cam kết không xả rác ra môi trường.

Nạn xả rác và đổ trộm chất thải độc hại chưa qua xử lý diễn biến phức tạp thời gian gần đây, nhất là khu vực vùng ven TPHCM. Điển hình, một số “điểm đen” từ nhiều năm qua trên các tuyến đường Nguyễn Thị Sáng, Lê Văn Khương, Nguyễn Thị Pha,... trở thành nơi tập kết, đổ rác tự phát vô tội vạ, khiến khu vực dân cư xung quanh thường xuyên phải chịu cảnh rác bốc mùi hôi, kèm theo ô nhiễm môi trường.

Theo ông Võ Văn Góp - Tổ trưởng Tổ nhân dân thuộc ấp 6 (xã Đông Thạnh), các ban, ngành địa phương thường xuyên phối hợp tuần tra, từng bắt quả tang và xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp xả rác trên đường Nguyễn Thị Sáng thuộc ấp 6, xã Đông Thạnh nhưng nạn xả rác vẫn tái diễn thường xuyên. Việc xả thải, đổ rác tự phát diễn ra vào ban đêm nên địa phương cũng như các cơ quan chức năng rất khó phát hiện để xử lý.

Không chỉ phát sinh nạn xả rác ở địa phương, UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn cũng nhiều lần phản ánh tình trạng rác thải, chất thải từ quận 12 và huyện Củ Chi được các đối tượng mang qua địa bàn xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn xả thải, bao gồm rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp…

Chung tình trạng như huyện Hóc Môn, dọc tuyến Quốc lộ 1 qua quận Bình Tân, quận 12; các đường Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh (quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh) cũng được người dân phản ánh tình trạng về nạn “đổ trộm” rác thải sinh hoạt, kể cả chất thải xây dựng, công nghiệp xuống các khu vực dân cư và kênh rạch.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, thời gian gần đây, địa phương này đã phải sử dụng các thiết bị công nghệ để giám sát, phát hiện kịp thời nhằm xử lý tận gốc những điểm phát sinh rác thải, ngăn tái diễn.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, các địa phương cần phải đặc biệt chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường bằng những mô hình, sáng kiến hết sức cụ thể.

Trước đó, quận 12 và huyện Củ Chi là 2 địa phương có một số mô hình, cách làm hay trong vận động, tuyên truyền người dân không xả rác ra đường và xuống kênh rạch. Trong đó, quận 12 đã chuyển hóa được 30 điểm ô nhiễm về rác thải thành khu sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, công viên, vườn hoa, cây xanh và giữ không để phát sinh rác thải. Riêng huyện Củ Chi đã xây dựng được gần 180 khu dân cư sạch đẹp, với 100% số hộ dân đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, kèm theo tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt trên 71%.

Cũng cho rằng để thực hiện hiệu quả CVĐ cần nâng cao vai trò công tác vận động, tuyên truyền, ông Huỳnh Đăng Linh - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Phú Nhuận cho biết, quận rất quan tâm đến “dân vận khéo” trong thực hiện các CVĐ, nhất là để nâng cao ý thức người dân, chính quyền đã chung tay cùng cơ sở vận động xây dựng 41 hẻm đạt tiêu chí văn minh, sạch, đẹp, an toàn và 39 khu phố không có điểm tồn đọng rác; quận đã trao tặng hơn 150 thùng rác cho các hộ gia đình.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Trần Kim Yến cho rằng, các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tiếp tục nhân rộng, chia sẻ các mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường trong thực hiện CVĐ. “Nếu giữ được đường phố, khu dân cư sạch thì người dân sẽ không bỏ rác. Ngoài các lực lượng của phường ra, còn cần vận động người dân trong khu vực cùng tham gia” - bà Yến nhấn mạnh khi đến giám sát thực hiện CVĐ tại quận Phú Nhuận.

THÀNH LUÂN