Tự chủ đại học: Vẫn nhiều rào cản
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, tự chủ đại học (ĐH) tính tới nay đã thực hiện hơn 10 năm, nhưng vẫn còn tình trạng ở nhiều trường ĐH tự chủ, mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng “chưa mấy suôn sẻ”. Bà Doan đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có đánh giá thật cẩn thận về việc thực hiện tự chủ ĐH.
Thách thức khi tự chủ tài chính
Từ kinh nghiệm thực hiện tự chủ 15 năm, bắt đầu từ Trường ĐH Quốc tế, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, hiện tất cả 6 trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đều đang thực hiện tự chủ ĐH. Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Quân nhìn nhận, tiến trình tự chủ ĐH ở Việt Nam thời gian qua gặp 5 thách thức rất lớn, chủ yếu liên quan đến tài chính ĐH. Cụ thể, các trường đang phải đối mặt với nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí. Chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế. Một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ ĐH. Số sinh viên chọn ngành khoa học kỹ thuật công nghệ bao gồm cả ĐH và sau ĐH càng ngày càng giảm, dẫn đến mất cân đối trong lĩnh vực đào tạo ngành nghề.
Cuối cùng, thách thức lớn nhất là niềm tin của xã hội đối với giáo dục nói chung và giáo dục ĐH riêng. Có lẽ, chưa bao giờ người thầy lại có nhiều tâm tư như bây giờ.
PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng bộ môn Marketting (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, tự chủ tài chính đang là thách thức với các trường ĐH khi xã hội vẫn hiểu tự chủ ĐH là tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nhà nước không hỗ trợ học phí và các hoạt động.
“Cần nhấn mạnh, truyền thông rõ để xã hội hiểu tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường. Các trường được chủ động liên kết tạo các mối quan hệ, thêm cơ hội để người học được có thêm thực tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục ĐH” – PGS Huyền nói và cho rằng các trường cần đảm bảo thu đúng thu đủ nhưng cũng cần truyền thông để xã hội hiểu, không phàn nàn về vấn đề học phí. Đồng thời kiến nghị, cần có cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo một cách đồng bộ giúp các trường ĐH điều hành tự chủ tại chính một cách hợp lý trong thời gian tới.
Tự chủ không phải là tự túc
Với khó khăn tài chính khi các trường thực hiện tự chủ, đặc biệt trong bối cảnh năm nay là năm thứ 3 các trường không tăng học phí nhằm chia sẻ khó khăn với người học, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đề xuất, một số giải pháp để đa dạng nguồn thu.
Theo đó, nguồn thu từ Nhà nước tài trợ cho các hoạt động của trường ĐH như dạy học, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.... Hiện ở nhiều nước có những quỹ tín dụng cho mọi sinh viên có thể vay, không phân biệt sinh viên thuộc hộ nghèo như ở Việt Nam.
Nhà nước phải tăng cường đặt hàng các hoạt động nghiên cứu, sản xuất... cho trường ĐH như một hình thức hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, việc đặt hàng phải dựa trên cơ chế thị trường, tức là phải trả giá cao. TS Phương cho rằng, hiện nay cơ chế cấp kinh phí nghiên cứu cho các trường ĐH còn bất cập vì cấp rất ít. Bởi, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, tiền cấp cho các đề tài nghiên cứu của các trường ĐH hiện nay chỉ cấp bù cho các chi phí phát sinh chứ không thể trả lương vì cán bộ của trường ĐH đã có lương.
Theo ông Phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nếu có đóng góp cho nhà trường ĐH để làm quỹ học bổng hoặc hỗ trợ cho các hoạt động của trường ĐH thì được khấu trừ thuế trước khi hạch toán. Tuy nhiên, hiện nay không có cơ chế này nên không khuyến khích được xã hội đóng góp cho giáo dục.
Trực tiếp tới nhiều trường ĐH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận thấy, có nhiều chính sách đúng, chủ trương đúng nhưng cách làm, tư duy, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề thực tiễn lại chưa đúng. “Vấn đề tự chủ ĐH chúng ta còn phải nghiên cứu. Quan trọng là tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề thực tiễn cho phù hợp. Tôi đề nghị chúng ta phải có phương pháp, cách làm, các trường ĐH phải đề xuất việc này” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới sẽ có những điều chỉnh để tự chủ ĐH được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi cho cơ sở giáo dục ĐH hơn. Riêng về nội dung tự chủ tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh thời điểm này, các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm, tự chủ không phải là tự túc, không phải phó thác cho các trường tự lo kinh phí. Tự chủ vẫn cần đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì còn đang là câu chuyện cần tiếp tục kiến nghị chính sách trong thời gian tới.