Đảm bảo an toàn khi dạy và học bơi
Vừa qua, liên tiếp xảy ra 2 vụ học sinh tử vong tại bể bơi trường học. Cụ thể, ngày 22/8, ở Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (quận Hà Đông, Hà Nội), một nam sinh lớp 9 tử vong khi đang học bơi tại bể bơi của nhà trường. Ngày 23/8, một nam sinh ở Nghệ An cũng tử vong khi đi bơi ở bể của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Hai vụ đuối nước thương tâm xảy ra liên tiếp trong trường học dấy lên cảnh báo về đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh trong nhà trường. Một vụ việc học sinh tử vong trong giờ học bơi và một vụ việc do học sinh đến bể bơi trường học để tắm.
Riêng vụ việc ở Hà Nội, theo nhận định ban đầu của cơ quan Công an, giáo viên dạy bơi không phổ biến, hướng dẫn học sinh mà để cho các em tự do xuống bể bơi. Thầy giáo ngồi trên bờ sử dụng điện thoại trong suốt tiết học. Khi học sinh vùng vẫy rồi bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên này vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, hoàn toàn không hay biết về sự việc.
Trước thực trạng trẻ em, học sinh đuối nước, những yêu cầu về dạy bơi, phổ cập bơi trong trường học không ngừng được đề cập thời gian qua. Nhưng nếu học bơi trong trường học mà con, em mình cũng không được an toàn, thử hỏi các bậc phụ huynh liệu có thể an tâm hay không? Học sinh tử vong tại trường học, trách ai cho được?
Theo các chuyên gia, có những nguyên tắc bắt buộc khi dạy và học bơi. ThS Vũ Văn Thịnh - Trưởng Bộ môn Bơi (Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội) cho biết, tại mỗi bể bơi, các nội quy bể rất quan trọng và cần phải có biển ghi rõ để học sinh đọc; đồng thời thầy cô phải phổ biến kỹ giúp các em nắm rõ. Cùng với đó, học sinh cần hiểu về khu vực nước nào nước nông, nước sâu, độ sâu tối thiểu/tối đa của bể là bao nhiêu, chỗ nào được phép bơi, chỗ nào không được phép bơi…
Khi dạy bơi, giáo viên phải biết rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước; có thể do ý thức chủ quan nhưng cũng có thể do các vấn đề sức khỏe. Do vậy, giáo viên cần đảm bảo đầy đủ trang thiết bị như phao, sào, vật nổi, gậy…; cảnh báo học sinh về các khu vực được và không được phép bơi; độ sâu mực nước từng vùng nước. Trước khi nhận lớp, giáo viên phải kiểm tra sĩ số, hỏi từng học sinh về tình trạng sức khỏe và ghi chép đầy đủ thông tin vào sổ. Nếu em nào không đảm bảo sức khỏe thì không cho xuống nước.
Với nhà trường, phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của giáo viên dạy bơi; phải có lực lượng cứu hộ có chuyên môn, đảm bảo đủ số lượng theo quy định, có phân công nhiệm vụ rõ ràng.
Trên thực tế, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ... Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thậm chí có những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình…
Ngay sau khi xảy ra vụ việc học sinh tử vong trong giờ học bơi nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có yêu cầu rà soát việc dạy bơi trong trường học. Ông Nguyễn Nho Huy - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc rà soát gồm quy trình đảm bảo an toàn khi dạy bơi, các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích... cho học sinh.
Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần phát động phong trào học bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Bộ cũng phối hợp với nhiều đơn vị phát hành các tài liệu hướng dẫn cách phòng chống đuối nước đối cho học sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những việc này chưa đủ. Hiện học sinh ít được tiếp cận các chương trình giáo dục kỹ năng chống đuối nước trong nhà trường. Nguyên do là bơi lội chỉ là môn học tự chọn, hoạt động ngoại khóa. Đa phần các nhà trường không đủ cơ sở vật chất, nhân sự để tổ chức dạy bơi.