Không để sốt xuất huyết bùng phát

Nguyễn Quốc 26/08/2023 07:26

Theo thống kê, từ đầu năm đến cuối tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận hơn 154 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Hiện đang bắt đầu vào mùa cao điểm của dịch bệnh, với điều kiện thời tiết mưa, nắng xen kẽ, sự gia tăng giao lưu, thuận lợi cho các loại virus và vector truyền bệnh phát triển. Dự báo trong thời gian tới dịch SXH sẽ còn tăng cao.

Tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết.

Thời gian qua, một số tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận số ca mắc SXH tăng nhanh. Cùng với đó, việc học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố khác sẽ trở lại sau kì nghỉ để nhập học trong thời gian đến sẽ làm tăng cao nguy cơ mang mầm bệnh và làm bùng phát dịch SXH.

Ông Võ Phi Long - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trước diễn biến của bệnh SXH, đơn vị tập trung triển khai các giải pháp để điều trị cho các trường hợp mắc bệnh.

Bên cạnh đó, ngành y tế địa phương tiến hành tuyên truyền người dân các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Hiện nay tình hình dịch bệnh SXH đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường sẽ tạo điều kiện tốt để muỗi sinh sản, đây cũng là thời điểm ca mắc SXH có nguy cơ tăng trở lại, đây là điều đáng lo ngại.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, trong năm 2023 và năm 2024, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có SXH. Đây cũng là dịch bệnh truyền nhiễm đang lưu hành và có số ca mắc hàng năm cao nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Giải pháp phòng bệnh SXH chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Dọn vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ...” - PGS.TS Trần Kiêm Hảo nói.

Trước việc số ca mắc bệnh SXH tại các tỉnh, thành trên cả nước tăng nhanh trong thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt hoạt động diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, nhằm kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn không để dịch bệnh do muỗi truyền vì hiện tượng El Nino bùng phát, lan rộng.

Ngoài ra, huy động các ban, ngành, tổ chức đoàn thể phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Để ngăn chặn bệnh SXH bùng phát, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu khi dịch xảy ra cần tập trung cao độ các biện pháp phòng, chống để kịp thời ngăn chặn, không để dịch bệnh SXH và các bệnh do muỗi truyền lan rộng, kéo dài.

Tính từ đầu năm đến ngày 17/8, Hà Nội đã ghi nhận hơn 3.500 ca mắc SXH tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 440/579 xã, phường, thị trấn, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tuần gần nhất, mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 ca mắc mới. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do thời tiết mưa nhiều, tạo thuận lợi phát sinh bọ gậy và muỗi, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh ở mức cao… Tuy nhiên, theo dự báo, đỉnh dịch SXH năm 2023 có thể rơi vào tháng 9 và 10 tới. Khi đó, riêng tại Hà Nội, số ca mắc SXH có thể lên tới 19.000 ca bệnh.

Đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, thông thường, sốt xuất huyết tăng mạnh vào tháng 10 và 11, nhưng năm nay bắt đầu gia tăng từ tháng 6, dự kiến đỉnh dịch sớm hơn, rơi vào tháng 9, 10. Bên cạnh đó, 5 năm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận trung bình 1.000 ca/năm. Năm nay dự báo số ca mắc có thể không dưới 19.000 ca. Nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt, hiệu quả, nguy cơ dịch bệnh còn gia tăng hơn nữa.

Đức Trân

Nguyễn Quốc