Chậm chạp bệnh án điện tử
Tại dự thảo lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức, Bộ Y tế đề xuất hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Hiện cả nước có khoảng 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh (gồm các bệnh viện (BV), trung tâm y tế đa chức năng), trong đó có khoảng 135 BV hạng 1 trở lên. Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến giữa tháng 8/2023, cả nước mới có khoảng 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, tuy nhiên trong đó có rất ít BV hạng 1 trở lên.
Trong số 50 cơ sở y tế xóa bỏ bệnh án giấy nêu trên, khoảng một nửa là cơ sở tuyến huyện. Riêng tỉnh Phú Thọ có 11 trung tâm y tế huyện. Đáng lưu ý là không nhiều cơ sở y tế trong danh sách 50 đơn vị này là BV hạng 1, đặc biệt chưa có bệnh viện nào hạng đặc biệt thực hiện (như Bạch Mai, K, Trung ương Quân đội 108, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế). Với BV trực thuộc bộ, hiện có BV Răng - Hàm - Mặt trung ương (thuộc Bộ Y tế) và BV đa khoa Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử. 2 BV trực thuộc trường đại học gồm BV Đại học Y Hà Nội và BV Đại học Y Dược TPHCM cũng đã thực hiện.
Về phía địa phương, Quảng Ninh thuộc top 2 địa phương có số cơ sở công lập dùng bệnh án điện tử nhiều nhất cả nước (17 cơ sở), chỉ sau Phú Thọ. Trong khi đó, Hà Nội có hơn 40 bệnh viện công lập trực thuộc nhưng mới có 4 cơ sở chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử, là BV đa khoa Vân Đình, BV đa khoa huyện Mỹ Đức, BV Phụ sản Hà Nội và BV đa khoa Xanh Pôn.
Theo các BV, để triển khai bệnh án điện tử cần phải có nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực… Trong khi nguồn này rất khó khăn với các BV tự chủ, vì chi phí cho công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá của dịch vụ kỹ thuật thực hiện, nên nhiều nơi vẫn còn loay hoay xoay xở vốn.
Trước việc triển khai bệnh án điện tử còn quá chậm, Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư sửa đổi. Theo đó, đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Như vậy, so với Thông tư cũ, các BV hạng 1 trở lên được lùi thời hạn 2 năm để áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế (Bộ Y tế) khẳng định, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, các BV đã sẵn sàng. Tuy nhiên, còn liên quan đến nguồn lực đầu tư vốn là điểm khó khăn nhiều nơi gặp phải. Trong khi hầu hết các BV đều được quản lý ở các địa phương. Khi đẩy mạnh công nghệ thông tin, bệnh án điện tử, nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí cho các BV thì năm 2025 mới có thể triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
Trong khi đó, theo BS Nguyễn Khuyến - Giám đốc BV đa khoa Vân Đình (Hà Nội), việc áp dụng bệnh án điện tử vào hoạt động khám, chữa bệnh rất hữu ích cho cả bác sĩ và người bệnh; tiết kiệm rất nhiều về nhân lực. Trước kia, mỗi khoa lâm sàng cần phải có một điều dưỡng hành chính để cập nhật thông tin. Nhưng nay có bệnh án điện tử không cần nhân lực làm việc này mà thông tin vẫn được cập nhật hằng ngày, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin.