Doanh nghiệp và 'con đường màu xanh'
Vẫn biết “kinh tế xanh” là tất yếu nhưng hiện thời nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn nghĩ rằng phát triển bền vững là một gánh nặng, cả về nguồn vốn cũng như nhân lực.
Chính vì thế, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc theo đuổi để đi trên “con đường màu xanh” chỉ là yếu tố để các DN cân nhắc chứ chưa phải là ưu tiên lựa chọn. Một khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có tới 98% DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa rất hạn chế về nguồn lực để có thể đầu tư nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững. Phần lớn các DN nhỏ lúng túng trong vấn đề này.
Khảo sát cũng cho thấy các DN tiên phong trong phát triển xanh hiện nay là các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN định hướng xuất khẩu. Đây là những DN có tiềm lực lớn.
Vậy, đâu là rào cản với DN trong kinh tế xanh? Khảo sát cũng cho thấy 70% DN chưa được trang bị đủ kiến thức, chưa hiểu rõ thế nào là phát triển xanh, chưa thấy được lợi ích mang lại từ việc theo đuổi nền kinh tế tuần hoàn. Không ít giám đốc DN “không nghĩ nhiều” đến các chuẩn mực môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị DN theo hướng kinh tế xanh. Bên cạnh đó là thách thức về chi phí nguồn lực của DN dẫn đến việc những hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT, DN của Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chậm hơn so với thế giới trong khi các DN, đối tác, khách hàng quốc tế đều đã yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phát triển bền vững, phát triển xanh. Chính vì thế, đầu tiên DN cần một tư duy đúng về phát triển bền vững; thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ xanh. Đồng thời, DN phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn.
“Cần coi phát triển bền vững là một khoản đầu tư, tuy nó không thể mang lại cho DN lợi ích ngay lập tức trong ngắn hạn nhưng hiệu quả trong trung và dài hạn là rất lớn” - ông Khoa nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ băn khoăn khi cho rằng DN Việt vẫn coi phát triển bền vững là gánh nặng mà chưa hiểu đi trên con đường màu xanh, hướng tới tương lai bền vững là dòng chảy, là con đường độc đạo của DN.
“Do đó, điều quan trọng nhất với DN hiện nay là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi nhận thức một cách có hệ thống nhằm hướng tới chuyển đổi xanh, lộ trình xanh” - ông Vinh nhấn mạnh và lưu ý, chuyển đổi tư duy không đơn giản là chuyển từ nền kinh tế “màu nâu” sang “màu xanh” mà để làm được điều đó cần đào tạo, nâng cấp nguồn vốn con người là quan trọng.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng thế giới, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân. Nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào các chương trình đầu tư giao thông công cộng của ngành giao thông cho các thành phố lớn, các đường cao tốc; các chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thể chế chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ đầu tư tư nhân, dự án thí điểm.