Thời đại của tiêu dùng thông minh
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng mua sắm, kinh doanh, từ trực tiếp sang trực tuyến. Thích nghi với xu hướng này, nhiều đại lý, cửa hàng quần áo, thời trang, đồ gia dụng... đang tìm cách thay đổi hình thức kinh doanh.
Người mua thay đổi thói quen
Chị Trần Thùy Trang (phố Lê Văn Lương, Hà Nội) cho biết, trước đây chị thường xuyên đi mua sắm tại các siêu thị, shop quần áo, giày dép... Thế nhưng, kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid -19, chị Trang đã thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì đến tận nơi chọn đồ, chị Trang thường xuyên lướt các trang mạng để mua hàng trực tuyến.
“Nếu như trước đây tôi thường cùng bạn bè mất ít nhất 1 - 2 ngày mỗi tuần để đến các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang lựa chọn quần áo, mỹ phẩm, túi xách thì nay, mỗi ngày tôi dành khoảng 1 giờ đồng hồ để xem các đại lý, cửa hàng bán hàng online bằng cách livestream trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tictok... Kiểu mua hàng này vừa không mất thời gian đi đến tận nơi, vừa rẻ hơn nhiều so với mua trực tiếp” – chị Trang chia sẻ về những thay đổi thói quen tiêu dùng của mình.
Trong khi đó, nắm bắt được những thay đổi trong thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân, nhiều đại lý, cửa hàng đã chuyển sang bán hàng bằng cách livestream. Theo chia sẻ của chị Thủy Tiên, shop kinh doanh mỹ phẩm ở Cần Thơ, bán hàng livestream không mất tiền thuê cửa hàng, người bán chỉ cần có kỹ năng về công nghệ và có phong cách giới thiệu sản phẩm hấp dẫn thì việc bán hàng trực tuyến sẽ suôn sẻ và có lợi nhuận cao hơn nhiều so với cách bán hàng truyền thống.
Chị Thủy Tiên bắt đầu kinh doanh mỹ phẩm từ năm 2017, lúc đầu kinh doanh khách cũng khá đông nhưng từ năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid -19 hoành hành thì cửa hàng cứ thưa dần khách. Doanh thu bập bõm, tháng có tháng không và đến bây giờ chị Thủy Tiên đã buộc phải đóng cửa hàng, chỉ bán hàng qua hình thức livestream trên trang Facebook. “Bán hàng online không mất tiền thuê cửa hàng, nên sản phẩm giá mềm hơn, do đó hàng bán ra khá đều, không còn “cắc bụp” như thời bán kiểu truyền thống nữa. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nhiều người tiêu dùng “bóp chặt” túi tiền, tiết kiệm hơn nên việc bán hàng cũng khó khăn hơn. Và việc bán hàng bằng cách livestream đã giúp tôi giảm giá sản phẩm khá nhiều, từ đó thu hút khách hơn”– chị Thủy Tiên chia sẻ đồng thời cho biết thêm, mỗi ngày dành thời gian khoảng 3-4 giờ đồng hồ để livestream bán hàng, hôm nào cũng có vài trăm đơn đặt mua (order).
“So với trước đây là quá ổn rồi, tôi chỉ thuê thêm nhân công để đóng gói hàng, đỡ tốn kém hơn nhiều so với kinh doanh kiểu truyền thống” - chị Thủy Tiên cho biết.
Thích ứng với chuyển đổi số
Trong xu thế của thời kỳ kinh tế số, các kênh thương mại điện tử đang dần chiếm lĩnh được ưu thế vượt trội so với các kênh bán hàng truyền thống. Và trong xu thế đó, nếu muốn trụ vững được trên thị trường, người bán hàng buộc phải tìm cách thích ứng. Không còn phụ thuộc vào buôn bán trực tiếp tại cửa hàng, nhiều shop đầu tư xây dựng các kênh kinh doanh online.
Giới chuyên gia nhận định, kinh doanh trên thương mại điện tử đã mở rộng tới nhiều kênh, trong đó có 4 kênh chính gồm: Bán hàng qua hoạt động marketing; mở gian hàng trên các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram; mở cửa hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo và điểm bán quét QR để mua hàng…
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ là khoảng thời gian bùng nổ loại hình kinh doanh bằng cách livestream tại Việt Nam. Khảo sát hơn 7.000 doanh nghiệp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp triển khai hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội đã mang lại hiệu quả cao.
Một khảo sát của Q&Me với 307 người thường xuyên mua sắm trực tuyến trong độ tuổi 18-39 cho thấy, 40% số này có hành vi mua sắm vài lần/tuần và 25% mua một lần/tuần. Có 24% người được hỏi cho biết mua hàng online một lần trong vòng 2-3 tuần và chỉ có 12% mua một lần mỗi tháng. Đây cũng là xu hướng mà người bán hàng cần nắm bắt để chuyển đổi theo nền kinh tế số. Theo đó, nhiều chủ cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh đã chú trọng đầu tư công nghệ, tuyển dụng các vị trí mới mà trước đây không xuất hiện ở loại hình kinh doanh truyền thống như: người mẫu livestream, biên tập viên... để xây dựng đội ngũ bán hàng online. Điều này tiếp tục khẳng định về việc cần thiết phải nâng cao trình độ lao động, chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng bối cảnh mới.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng mua sắm theo cách thông minh hơn. Cụ thể, họ chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn tại các kênh bán hàng trực tuyến uy tín, các sàn thương mại điện tử lớn nhằm tiết giảm chi phí và bảo đảm chất lượng hàng hóa. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần thích ứng với xu hướng này để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng khẳng định, thương mại điện tử thông minh sẽ là xu hướng nổi bật trong thời gian tới khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam.