Minh bạch trong thu hồi đất

H.Vũ 26/08/2023 08:00

Ngày 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Vấn đề thu hồi đất nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Thu hẹp các trường hợp thu hồi đất

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đã sửa đổi điểm g khoản 3 Điều 79 theo hướng quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thay vì dẫn chiếu sang Điều 112 và Điều 126 dự thảo luật. Thu hẹp các trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở thể dục thể thao, cơ sở khoa học và công nghệ, cơ sở văn hóa.

Tuy nhiên, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), ông Thanh cho hay, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm đảm bảo sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp. Có ý kiến đề nghị, đối với dự án nhà ở thương mại chỉ thực hiện theo cơ chế thỏa thuận mà Nhà nước không thu hồi đất...

Đề cập về xác định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị, quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức phát triển quỹ đất để bảo đảm đủ năng lực thu hồi, phát triển quỹ đất phục vụ các dự án lớn tại địa phương. Đồng thời, trong định giá đất, làm rõ nguyên tắc mục đích sử dụng đất hiện tại hoặc trong tương lai để làm căn cứ định giá phù hợp, bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhà nước...

Liên quan đến việc thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thống nhất với quy định chi tiết để đảm bảo quá trình minh bạch trong thu hồi đất.

Bà Nga cho rằng, mặc dù quy định chi tiết cũng có nhược điểm là có thể chưa lường hết được các trường hợp cần thu hồi nhưng cơ quan soạn thảo và thẩm tra cố gắng lường hết các trường hợp thu hồi để quy định minh bạch trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra công khai và minh bạch.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó. “Nếu chúng ta lựa chọn quy định theo hình thức “chọn-cho”, tức là liệt kê những trường hợp nào là thu hồi đất thì không cách gì chúng ta liệt kê hết được, mà càng liệt kê có khi lại càng thiếu. Vì vậy nên tiếp cận theo cách “chọn-bỏ”, tức là những gì cấm thì phải ghi vào trong luật. Nếu tiếp cận theo phương pháp cũ, cố gắng liệt kê cho đủ thì rất khó có sự thống nhất” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Về tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải tách bạch, phân định rõ giữa thu hồi và đấu giá nếu không sẽ dẫn đến chồng chéo ngay trong dự thảo luật, quy định tiêu chí, nguyên tắc để giao thẩm quyền cho địa phương thực hiện đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu thuyết minh, làm rõ hơn về phương pháp định giá đất, lập bảng giá đất, chế độ quản lý, sử dụng một số loại đất dành cho giáo dục, y tế, thể thao, quốc phòng - an ninh, vị trí, chức năng, của tổ chức phát triển quỹ đất và cơ chế huy động nguồn tài chính.

Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp - nên hay không?

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở sửa đổi. Nội dung xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, có nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình vì giúp giải quyết được nhiều vướng mắc trong trình tự, thủ tục đầu tư, tạo sự thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, cần bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội trong hàng rào khu công nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp mà cần giao địa phương bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm việc cả trong và ngoài khu công nghiệp.

Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần tính toán kỹ về quy định phải xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Bởi hiện nay các chính sách về nhà ở đã quy định các loại hình như nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Nếu quy định phải có nhà lưu trú trong khu công nghiệp thì liệu có xảy ra tình trạng “hết đời cha đến đời con nằm mãi ở trong khu công nghiệp”?

Từ đó, ông Phương đề xuất, trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân. “Ví dụ Thái Nguyên có khu công nghiệp thì buộc Thái Nguyên và nhà đầu tư phải đánh giá lượng công nhân là bao nhiêu, đề nghị địa phương giao đất để xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà thu nhập thấp cho công nhân”- ông Phương nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm, cần thiết có nhà lưu trú của công nhân trong khu công nghiệp. “Người lao động trong các khu công nghiệp chủ yếu là người lao động ngoại tỉnh. Họ cần có một chỗ ở gần khu công nghiệp và chi phí thấp, để có tích lũy cao nhất” – bà Thúy Anh nhấn mạnh.

H.Vũ