Châu Âu lại nóng chuyện người di cư
Số người di cư vượt biển vào Anh từ đầu năm đến nay là gần 16.000 người. Còn nếu tính từ năm 2018 đến nay, tổng số người di cư vượt Eo biển Manche vào nước Anh đã lên đến 100.715 người. Câu chuyện người di cư vào châu Âu đang nóng trở lại.
Ngày 25/8, Bộ Nội vụ Anh cho biết khoảng 755 người di cư bị phát hiện trên 14 chiếc tàu nhỏ hướng đến bờ biển miền nam nước Anh vào ngày 10/8 - con số cao nhất trong một ngày từ đầu năm đến nay. “Bất chấp thời tiết xấu khiến hành trình trên những chiếc xuồng cao su nhỏ gần như không thể thực hiện được nhưng số người di cư vượt biển vào Anh vẫn tiếp tục tăng”- Reuters đưa tin và cho biết tuyến đường qua Eo biển Manche là một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới với rất nhiều vụ lật tàu và nhiều người di cư chết đuối trong thập niên qua.
Tuyến đường vượt biển nguy hiểm nhất thế giới
Cùng với Eo biển Manche, Địa Trung Hải là tuyến hải trình của người di cư tìm đến châu Âu. Gần đây, trong 15 chiến dịch, Tổ chức SOS Mediterranee đã giải cứu được 623 người di cư, phần lớn đến từ Sudan, những người còn lại đến từ Guinea, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Benin và Bangladesh.
Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết, lượng người di cư bất hợp pháp đến Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người di cư lựa chọn tuyến đường Địa Trung Hải để nhập cảnh trái phép tăng hơn 30% và chiếm hơn 50% tổng số người di cư vào EU. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng nạn buôn người đang lan tràn tại châu Âu và Chính phủ Hungary đã phải chi 650 tỷ forint (1,95 tỷ USD) để xây dựng hàng rào bảo vệ biên giới bên ngoài của EU.
Vùng biển này cũng được cho là “nghĩa địa khổng lồ” nơi “nuốt chửng” rất nhiều người di cư. Địa Trung Hải đã trở thành tuyến đường vượt biển nguy hiểm nhất trên thế giới đối với người di cư. Theo Tổ chức Di cư quốc tế, từ đầu năm tới nay, ít nhất 1.848 người đã thiệt mạng khi tìm cách từ Bắc Phi qua Địa Trung Hải đến Italy và Malta. Con số này cao hơn mức 1.417 người thiệt mạng trong cả năm 2022.
Trong khi đó, hãng thông tấn Maroc (MAP) đưa tin hải quân nước này đã chặn được 26.000 trường hợp di cư bất thường trong vòng 5 tháng.
Đứng trước hiểm nguy đến với người di cư băng qua Địa Trung Hải trên những con tàu cũ nát hoặc xuồng cao su, các cơ quan của Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia nơi người di cư ra đi hãy tăng cường ngăn chặn, đồng thời những kẻ buôn người mất nhân tính phải bị trừng trị. Liên hợp quốc cho biết Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất hơn đối với các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, nhưng vẫn xảy ra những cái chết thương tâm.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi, cảnh báo nếu các quốc gia không cam kết hơn nữa đối với hoạt động cứu nạn phối hợp và có tổ chức trên biển Địa Trung Hải thì thảm kịch vẫn sẽ tái diễn. Từ đầu năm đến nay, hơn 1.800 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên tuyến di cư Địa Trung Hải. Đáng chú ý, hơn 75% số người di cư vào châu Âu vẫn chọn tuyến đường nguy hiểm này cho hành trình vô định của cuộc đời.
“Cơ chế đoàn kết tự nguyện” không hiệu quả
Khủng hoảng di cư vẫn là bài toán khó đeo đẳng châu Âu suốt nhiều năm. Năm 2015 là đỉnh điểm khi có tới 1,3 triệu người di cư tới các nước Liên minh châu Âu (EU). Chủ yếu trong số họ là những người trốn chạy cuộc chiến ở Syria. Tuy nhiên, làn sóng di cư từ châu Phi vào EU kể từ đầu năm 2023 tới nay lại không xuất phát từ một biến cố địa chính trị đặc biệt nào, mà nguyên nhân chính là kinh tế, khi hạn hán gia tăng, mùa màng thất bát.
Vậy, thái độ của những quốc gia EU ra sao? Tới nay, đây vẫn là chủ đề gai góc mà gần như tất cả các nước EU đều muốn né tránh. Ở châu Âu hiện nay không còn một quốc gia nào tuyên bố sẵn sàng mở cửa biên giới đón người tị nạn giống như chính phủ của bà Angela Merkel tại Đức năm 2015. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 67% người dân Pháp muốn chính phủ phải có các chính sách cứng rắn về nhập cư. Trong khi các bộ trưởng Nội vụ EU lại tìm cách xoa dịu căng thẳng xung quanh vấn đề di cư bất hợp pháp, liên quan đến việc giải cứu người di cư ở Địa Trung Hải.
Trước đó, tháng 6/2022, từ đề xuất của Pháp, các nước EU đã thống nhất được một cơ chế có tên gọi là “Cơ chế đoàn kết tự nguyện”. Theo đó 10 nước đã đồng ý tiếp nhận mỗi năm khoảng 10.000 người tị nạn giúp cho các nước EU giáp Địa Trung Hải như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha… giảm tải gánh nặng.
Tuy nhiên, tới nay rõ ràng cơ chế này đã không hiệu quả bởi chỉ là tự nguyện, không có tính ràng buộc nên một quốc gia đã đồng ý vẫn có thể rút lại cam kết. Điều quan trọng hơn, đó là số lượng phân bổ dựa trên cơ chế tự nguyện (10.000 người) là quá ít so với hàng trăm ngàn người di cư đổ về các nước EU giáp Địa Trung Hải.
Kể cả việc Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra Kế hoạch hành động khẩn cấp bao gồm 20 biện pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường phối hợp với các nước như Tunisia, Lybia, Ai Cập... để kiểm soát “ngay từ đầu nguồn” dòng người di cư; ngăn chặn và triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép cũng như đẩy nhanh thủ tục trục xuất người di cư về lại nơi xuất phát, cũng không hiệu quả.
“EU lo lắng và thận trọng. Nhưng đáng tiếc họ lại là những quốc gia thụ động. Cũng vì thế nên dòng người di cư tìm tới EU vẫn tiếp diễn và Địa Trung Hải cũng như Eo biển Manche vẫn sẽ còn tiếp tục được biết đến là những vùng biển chết chóc” - đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn nói.