Cùng con bước vào năm học mới: Nói ‘không’ với áp lực
Năm học mới cận kề, bên cạnh nỗi lo các khoản thu, nhiều phụ huynh lo lắng việc đồng hành cùng con, nhất là với học sinh lớp 1 và những học sinh cuối cấp. Một số phụ huynh khá căng thẳng vì phải thu xếp thời gian đưa con đi học tiền tiểu học, trong khi đó nhóm phụ huynh có con học cuối cấp 2 thì sốt ruột với kỳ thi vào 10.
Giảm lo lắng khi con vào lớp 1
Lo lắng cho con sắp bước vào môi trường tiểu học, không ít phụ huynh sợ lớp đông học sinh, con không thể theo kịp các bạn nên cho con học trước chương trình lớp 1. Có con trai sinh năm 2017 sẽ học lớp 1 năm học 2023 - 2024, hơn 1 tháng nay, vợ chồng anh Phạm Thành Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) đã tìm địa chỉ để cho con theo học lớp tiền tiểu học. Anh Trung chia sẻ: “Tôi nghĩ môi trường bậc tiểu học khác hoàn toàn bậc mầm non. Trong khi đó, công việc của vợ chồng tôi khá bận rộn, chúng tôi cũng không nắm rõ chương trình mới dạy như thế nào nên không thể kèm cặp, hướng dẫn con. Vì thế nên tôi cũng khá băn khoăn con có thể không theo kịp chương trình và tụt lùi so với các bạn, nên tôi đăng ký cho con học lớp tiền tiểu học để chuẩn bị kiến thức nền cơ bản và chuẩn bị cả về mặt tâm lý giúp con tự tin bước vào lớp 1”.
Theo phân tích của TS Lê Thị Quỳnh Nga - Trưởng phòng nghiên cứu Giáo dục học, Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): Tâm lý chung của nhiều bố mẹ hiện nay là lo lắng con không theo kịp các bạn nếu không đi học trước, nếu đi học trước thì khi vào lớp 1 con đỡ vất vả, bố mẹ cũng đỡ vất vả. Tuy nhiên, bố mẹ cần nhận thức được rằng, ở bậc mầm non, các con đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng phù hợp, đủ để các con tiếp nối lên bậc học tiếp theo. Vào lớp 1, các con sẽ được học đọc, học viết những nét chữ đầu đời. Vì thế, nếu bố mẹ sốt ruột quá mà ép con đi học trước, vô hình chung sẽ tạo áp lực cho các con, làm các con căng thẳng, mệt mỏi, đánh mất sự hứng thú, tìm tòi, kiên trì, tư duy sáng tạo và động lực học tập của trẻ.
Có thể nói đi học lớp 1 là bước ngoặt quan trọng, là sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới đối với trẻ. Vì thế, việc chuẩn bị cho các con là thật sự cần thiết. Nhưng bố mẹ cần hiểu rằng chuẩn bị ở đây là chuẩn bị tâm thế, chuẩn bị kỹ năng để sẵn sàng bước chân vào lớp 1 một cách tự tin, hứng thú. Chứ không phải là học đọc, học viết như nhiều lớp học tiền học đường đang tổ chức hiện nay. Các bậc phụ huynh cũng cần chuẩn bị tốt tâm lý cho bản thân, tránh trường hợp chính bản thân phụ huynh hoang mang, lo lắng, không nắm được những thay đổi tâm sinh lý của con, từ đó chưa hiểu con cần gì để chuẩn bị, hoặc có những chuẩn bị chưa phù hợp.
“Khi con vào học lớp 1, phụ huynh cần chuẩn bị cho con tâm lý, hình thành những thói quen, những kỹ năng phù hợp, để con bớt bỡ ngỡ, tự tin hơn và thích được đi học. Ngoài việc dạy con kỹ năng để tự tin giao tiếp, kết bạn, kỹ năng thể hiện bản thân... thì quan trọng hơn, phụ huynh cần dạy con các kỹ năng tự phục vụ bản thân như: Tự đi vệ sinh, tự mặc quần áo, tự sắp xếp sách vở vào ba lô, cất sách vở ở đúng ngăn, kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập trước khi ra về... Bên cạnh đó dạy trẻ tính kỷ luật, giúp trẻ sinh hoạt có nề nếp, giờ nào việc nấy, ví dụ như đến lớp đúng giờ, biết phân biệt giữa giờ giải lao, thư giãn và giờ học... Đây là những kỹ năng cực kỳ quan trọng để giúp trẻ tự tin hơn, không bị “sốc” tâm lý khi bước vào môi trường mới”, TS Tâm lý Quách Thu Quế đưa lời khuyên.
Kỳ vọng nên đúng với nguyện vọng
Bên cạnh những phụ huynh có con vào lớp 1, những phụ huynh có con học cuối cấp cũng như đang “ngồi trên đống lửa”. Mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023 đã kết thúc, nhưng kỳ thi này vẫn còn để lại những dư âm nặng nề với nhiều học sinh. 33.000 học sinh trượt cấp 3 trở thành con số biết nói; hình ảnh phụ huynh Hà Nội xếp hàng dài trước cổng các trường THPT dân lập và công lập cả đêm để kiếm một chỗ học cho con em mình thực sự đã khiến mùa tuyển sinh của Thủ đô trở thành một cuộc đua khắc nghiệt.
Gia đình chị Hoàng Thu Thảo (quận Ba Đình, Hà Nội) có con năm học tới sẽ thi chuyển cấp. Áp lực vào trường chuyên, mùa hè năm nay em Nguyễn Thảo Hiền (con chị Thảo) đã không có một kỳ nghỉ trọn vẹn khi phải “cắm đầu” vào học để sẵn sàng cho kỳ thi vào 10.
“Nhìn con học ngày học đêm tôi cũng thấy xót lắm, nhưng tuổi này bảo con học nghề thì tôi không nỡ nên đành phải động viên con cố ôn luyện thật tốt. Áp lực lên con rất lớn nhưng tôi không biết phải làm thế nào”, chị Thảo tâm sự.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, việc phụ huynh có nguyện vọng cho con thi vào trường chuyên, lớp chọn hay những trường chất lượng cao có tiếng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều này xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh bởi bất kỳ cha mẹ nào cũng mong con được học tập, phát triển trong môi trường tốt nhất. Tuy nhiên, có một vấn đề cha mẹ cần nhìn nhận, đó là hiện nay, theo chương trình giáo dục mới, định hướng giáo dục là phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi đứa trẻ, để trẻ tự quyết định tương lai.
“Vì vậy phụ huynh phải thay đổi cách nghĩ. Thay vì tâm lý đám đông, chạy đua cho con vào trường này, trường kia, hãy bình tĩnh lựa chọn ngôi trường nào phù hợp nhất với con, giúp con phát huy hết khả năng, phù hợp với xu hướng phát triển của mình" - TS Nguyễn Tùng Lâm khuyên.
Còn TS Tâm lý Quách Thu Quế cho rằng: “Cha mẹ nên là người đồng hành cùng con để định hướng cho con lựa chọn những gì phù hợp với bản thân con. Con không giống như “con nhà người ta”, mỗi người có một khả năng học tập khác nhau nên phụ huynh không nên đặt kỳ vọng quá nhiều khiến con bị áp lực. Khi con quá tiêu cực sẽ dẫn đến những suy nghĩ sai lầm, dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực”.
Mỗi cấp học dù là học sinh đầu vào hay cuối cấp đều sẽ có những áp lực riêng. Phụ huynh phải là người cùng con trải qua những khó khăn đó, không nên để con gánh trên vai những áp lực nặng nề. Thấu hiểu, đồng cảm và trở thành người bạn của con sẽ khiến cho đứa trẻ có chỗ dựa tinh thần, từ đó con sẽ có điểm tựa để vươn xa hơn nhờ năng lực của chính mình.