Mồ côi mẹ năm 7 tuổi, cô gái bật khóc trong nghi thức 'Bông hồng cài áo' tại lễ Vu Lan
Tối ngày 26/8 tại buổi đại lễ Vu Lan báo hiếu tổ chức tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chị Nguyễn Ngọc Trâm (31 tuổi) bật khóc khi nhớ về người mẹ đã mất vì căn bệnh ung thư từ khi chị mới 7 tuổi.
Bật khóc nhớ đấng sinh thành
Tối 26/8 (tức ngày 11/7 âm lịch), tại buổi đại lễ Vu Lan báo hiếu tổ chức tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã thu hút hàng trăm tăng ni, phật tử, người dân vô cùng xúc động, trang nghiêm thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc.
Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những đại lễ báo hiếu quan trọng, được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo, được tổ chức ở nhiều địa phương trong nước.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích của Tôn Giả Mục Kiền Liên (Vị Bồ Tát đại hiếu), một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị này tu hành đắc được phép thần thông đệ nhất nên thấy mẹ mình là bà Thanh Đề sau khi chết đi bị đọa xuống cõi địa ngục. Vì thương mẹ nên Tôn Giả Mục Kiền Liên thưa với với Đức Phật Thích Ca làm gì để cứu vớt mẹ mình thoát khỏi cõi địa ngục. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, bà Thanh Đề sau khi chết bị đày dưới địa ngục là do ở đời làm nhiều việc ác và tham lam.
Vì vậy, muốn cứu được bà ra khỏi cõi địa ngục đau khổ thì vào dịp Rằm tháng 7, sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng phải sắm sửa lễ vật cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ, thoát sinh về cõi thiên cung sung sướng.
Cùng con gái 5 tuổi đến tham dự đại lễ Vu Lan báo hiếu, chị Nguyễn Ngọc Trâm (31 tuổi, ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) không ngừng xúc động khi nhớ lại về người mẹ đã ra đi mãi mãi, năm chị mới chỉ 7 tuổi.
Nhớ lại người mẹ đã mất, chị Trâm kể mẹ luôn hiền dịu, chăm lo cho con và nụ cười ấm áp của mẹ in sâu vào tâm trí khiến chị vô cùng xúc động mỗi khi nhớ lại. Năm 1999, mẹ chị phát hiện bị bệnh hiểm nghèo. Khi ấy y tế cũng không phát triển như bây giờ. Chị là người biết tin đầu tiên biết tin mẹ mắc bạo bệnh và cũng thường xuyên đi cùng mẹ đến bệnh viện.
"Tôi nhớ mẹ mắc bệnh đầu năm và mẹ mất gần Tết Nguyên đán. Những năm Tết đầu tiên cảm xúc của tôi hụt hẫng khó tả. Đến tận bây giờ cứ mỗi dịp Tết đến, khoảnh khắc đêm Giao thừa hay ngày lễ Vu lan tôi đều nhớ về mẹ.
Tôi nhớ mãi ngày mẹ mất khi đang làm tang bố đưa cho tôi 2 tờ tiền mệnh giá 50 nghìn đồng và nói đây là tiền của mẹ. Tôi chỉ nghĩ mẹ đưa tiền cho mình và đi đâu đó thôi chứ không nghĩ tiền đó là tiền mọi người đến dâng lễ viếng mẹ. Khi ấy tôi không hiểu được hết mọi chuyện nhưng tôi biết được mất mát, mồ côi mẹ mình sẽ thiệt thòi và phải cố gắng biết nhường nào…", chị Trâm bật khóc.
Để nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục, vượt quãng đường 30 km cùng người thân, bạn bè đến dự lễ Vu Lan báo hiếu, chị Nguyễn Thị Thảo (42 tuổi, Hoà Bình) vô cùng xúc động khi nhắc đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Chị Thảo mất cha cách đây 7 năm. Một năm sau đó, mẹ của chị cũng qua đời trong sự xót thương của gia đình, con cháu.
"Trong ký ức của tôi lúc nào bố mẹ cũng lo toan cho con cái. Tôi đến đây khi nghe những chia sẻ về đại lễ Vu Lan tôi không kìm được lòng. Nỗi nhớ cha mẹ càng thêm da diết", chị Thảo bày tỏ.
Nghi thức bông hồng cài trên ngực áo
"Bông hồng cài áo" chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Đối với những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý, thân thương.
Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ mùa Vu Lan.
Sau nghi lễ bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.
Tại buổi lễ Vu Lan, Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho hay, đại lễ Vu Lan, con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ. Những ngày này mọi người thường đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh. Nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo thì mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong dịp đại lễ Vu Lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ngược lại, mẹ cha cũng phải xem đã làm hết thiên chức của mình chưa. Bên cạnh đó, mọi người cũng phải san sẻ tình yêu thương tới mọi người.
"Vu Lan chỉ là tháng trọng tâm nhưng việc hiếu nghĩa cần phải thực hành cả đời này. Anh em hòa thuận, con cháu phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt Nam hàng ngàn năm nay", Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.