Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: ‘Hãy luôn trăn trở đã đóng góp được gì cho địa phương?’
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu câu hỏi trên tại Hội nghị bàn việc nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp ở tỉnh Nam Định, do Thường trực HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức ngày 27/8.
Giám sát gần 48.000 quyết định của UBND
Theo Thường trực HĐND tỉnh, thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND cấp tỉnh tại Nam Định đã tổ chức 12 kỳ họp, HĐND cấp huyện tổ chức 102 kỳ họp; HĐND cấp xã tổ chức 1.753 kỳ họp. Trong đó, tại kỳ họp thứ nhất, 5.977 đại biểu HĐND 3 cấp ở tỉnh đã bầu ra 237 Thường trực HĐND, 237 UBND.
3 cấp HĐND ở tỉnh đã ban hành 8.203 nghị quyết trên các lĩnh vực. Riêng HĐND tỉnh đã xem xét, quyết định và phân bổ trên 47.610 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025; quyết định chủ trương đầu tư 143 dự án với tổng kinh phí 19.351,8 tỷ đồng.
Ngoài giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo, HĐND 3 cấp ở tỉnh đã tổ chức hơn 1.319 phiên chất vấn, xem xét chất vấn tại kỳ họp thường lệ. HĐND, các cơ quan thuộc HĐND tổ chức giám sát 1.284 chuyên đề; Thường trực HĐND, các ban HĐND đã giám sát 4.866 nghị quyết của HĐND, 47.649 quyết định của UBND, giám sát việc giải quyết đối với 11.418 kiến nghị của cử tri.
Tại 5 kỳ họp thường lệ, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn 25 nội dung thuộc các lĩnh vực; phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tổ chức 3.199 cuộc tiếp xúc giữa cử tri với các đại biểu HĐND; tiếp nhận 11.418 kiến nghị của cử tri…
“Ngại va chạm trong hoạt động chất vấn”
Bên cạnh những mặt tích cực, Hội nghị đánh giá hoạt động của 3 cấp HĐND ở tỉnh còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, chất lượng hoạt động của một số cơ quan thuộc HĐND ở một số địa phương không đồng đều; một số đại biểu chưa thực sự tích cực tham gia hoạt động của HĐND, còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động chất vấn. Hoạt động của tổ đại biểu HĐND ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả.
Hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới nhưng thành phần cử tri và hình thức tiếp xúc cử tri chưa thực sự đa dạng. Tại một số địa phương, Thường trực HĐND chưa thực sự quan tâm việc giám sát nghị quyết của HĐND cấp dưới và quyết định của UBND cùng cấp. Việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát đôi khi chưa thật sự quyết liệt. Chưa tổ chức được nhiều phiên chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND. Việc điều hành kỳ họp HĐND tại nhiều xã còn chưa tách bạch giữa hoạt động thảo luận và hoạt động chất vấn.
Nguyên nhân, theo đánh giá tại Hội nghị, các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND, nhất là về thẩm quyền của HĐND đối với một số lĩnh vực chưa rõ ràng. Đại biểu HĐND các cấp chủ yếu là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm; trình độ, kinh nghiệm công tác không đồng đều. Chế độ phụ cấp, bồi dưỡng đối với một số chức danh kiêm nhiệm tại HĐND cấp xã còn thấp. Thiếu quy định cụ thể về chế tài, biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát.
Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm cử tri chưa thực hiện được
Liên quan đến những hạn chế trong công tác tổ chức tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đoàn Văn Hùng nhìn nhận hình thức chủ yếu là hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, các hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc theo nhóm cử tri chưa được thực hiện; kinh phí bố trí cho các cuộc tiếp xúc cử tri còn hạn chế.
Thêm rằng: "Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị, tiếp thu, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số ngành chức năng một số địa phương còn chung chung, thông tin giải đáp chưa đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, việc thực hiện trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động của cá nhân một số đại biểu chưa được chú trọng".
Nhiều kiến nghị chưa thể giải quyết do thiếu nguồn lực
Liên quan công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, theo Thường trực HĐND TP Nam Định, ý kiến, kiến nhị của cử tri tại các kỳ họp tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực quản lý đô thị (chiếm tới 25-30% tổng số kiến nghị), như: nâng cấp đường, cải tạo vỉa hè; xây mới, cải tạo và nạo vét hệ thống tiêu thoát nước; chỉnh trang đô thị, hệ thống chiếu sáng; sửa chữa các khu nhà cao tầng thuộc sở hữu Nhà nước. Để giải quyết các kiến nghị này và các kiến nghị liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng cần nguồn ngân sách lớn nhưng nguồn lực của thành phố còn khó khăn nên chưa được giải quyết, cần có thời gian để bố trí, sắp xếp.
Các kiến nghị về quản lý đất đai, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất qua các kỳ họp gần đây đều là các kiến nghị kéo dài, phức tạp (do liên quan tới quy định pháp luật thuộc thẩm quyền xem xét của các sở, ngành hoặc còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, thiếu thủ tục pháp lý, đợi văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, liên quan tới quy hoạch…) nên chưa được giải quyết dứt điểm.
Một số phòng, ban, đơn vị liên quan đôi lúc chưa phối hợp, quan tâm, sâu sát nên chất lượng giải quyết, trả lời một số kiến nghị chưa cao; thời gian trả lời còn chậm. Việc đôn đốc việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị liên quan đến cấp trên còn hạn chế.
Công tác thông tin về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị chưa sâu rộng dẫn đến cùng một kiến nghị đã được trả lời, giải quyết đối với phường, xã này nhưng cử tri ở phường, xã khác vẫn tiếp tục kiến nghị. Chính quyền cấp xã một số nơi chưa phát huy tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước, chưa tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, trả lời cũng như kiểm tra, kiểm soát từ cơ sở làm nảy sinh ý kiến, kiến nghị trong cử tri.
Phải “có bản lĩnh, chính kiến, cách làm phù hợp”
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điểm lại những kết quả, thành tựu tỉnh Nam Định đã đạt được trong thời gian qua, nhất là về xây dựng nông thôn mới, chất lượng giáo dục, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, chất lượng quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo an sinh xã hội…; ghi nhận, biểu dương công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, những kết quả HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp, các sở ngành, địa phương của tỉnh đã đạt được.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh còn thấp; chưa ứng dụng được nhiều thành tựu của khoa học kỹ thuật; chưa sản xuất được nhiều sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao; kinh tế biển chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Các cấp, các ngành của tỉnh Nam Định, nhất là lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cần nỗ lực hơn nữa, vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa vì sự nghiệp chung. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, mỗi đại biểu HĐND hãy luôn trăn trở đã cống hiến được gì, đóng góp được gì cho sự phát triển của địa phương?”, ông nêu vấn đề.
Liên quan đến hoạt động của HĐND các cấp ở tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá HĐND các cấp ở tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của các cấp ủy Đảng; phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn Đại biểu Quốc hội; các cơ quan, đơn vị liên quan; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động. Tổ chức các kỳ họp đúng luật; ban hành nhiều nghị quyết quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động giám sát được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thường trực HĐND tỉnh đã kịp thời triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát. Các đại biểu giữ mối liên hệ với cử tri và nhân dân, tiếp nhận và phản ánh trung thực, đầy đủ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo HĐND các cấp ở tỉnh cần đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng; kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của đảng bộ các cấp thành Nghị quyết của HĐND. Tinh thần là “đúng vai, thuộc bài”, đồng hành, phối hợp với UBND; có bản lĩnh, chính kiến, cách làm phù hợp theo quy định của pháp luật. Chuẩn bị kỹ lưỡng các kỳ họp HĐND; thực hiện hiệu quả, thực chất các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoạt động giám sát, giải trình. Bảo đảm các điều kiện hoạt động; ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đại biểu.
Trước mắt thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đảm bảo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.