Doanh nghiệp vẫn khát vốn
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, dẫn đến không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, trong khi đó ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay. Giải quyết sự lệch pha giữa doanh nghiệp - ngân hàng sẽ phần nào khơi thông được dòng vốn trong nền kinh tế.
Mặc dù nguồn vốn tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông. Nhưng thực tế, đa số các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, việc cho vay đối với DNNVV vẫn gặp phải không ít khó khăn.
Doanh nghiệp khó
Bà Lâm Thuý Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha cho biết, Mebipha thuê đất ở khu công nghiệp để xây dựng nhà xưởng sản xuất kinh doanh. Hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm nhưng phía công ty bà đã trả một gói thuê dài hạn cho ban quản lý khu công nghiệp. Nhưng khi liên hệ ngân hàng để vay vốn thì công ty bị trả hồ sơ với lý do không nhận thế chấp miếng đất thuê trong khu công nghiệp. “Đây là khó khăn chung mà các doanh nghiệp thuê đất để sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp đang gặp phải” - bà Ái nói.
Câu chuyện của Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha chỉ là một dẫn chứng nhỏ trong vấn đề DN khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp đúng và trúng tháo gỡ điểm nghẽn vốn cho doanh nghiệp (giảm lãi suất, cơ cấu nợ, đơn giản thủ tục cho vay...), dư nợ cho vay DNNVV chiếm tới hơn 38% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Mặc dù vậy, tình hình của các DN vẫn rất khó khăn, nhất là DNNVV do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài khó khăn đầu ra, có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng hiện nay họ đang gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.
Trao đổi về những khó khăn khiến các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng DN, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, thường các ngân hàng khi thẩm định năng lực của các DN có nhu cầu cấp vốn tín dụng sẽ căn cứ vào hồ sơ năng lực kinh doanh của khách hàng, tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính và sổ sách kế toán cũng như tính khả thi của phương án… Trong khi đó, phần lớn các DNNVV còn thiếu năng lực kinh nghiệm hoàn thiện hồ sơ vay vốn, nhất là quá trình thiết lập hệ thống báo cáo tài chính cũng như sổ sách kế toán. Trong quá trình thẩm định, nếu ngân hàng thấy có độ tin cậy thấp sẽ không đánh giá được năng lực khiến quá trình tiếp cận vốn vay của DN gặp khó khăn.
Thực tế cũng chỉ ra thời gian qua NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần, phân bổ hết room tín dụng, ban hành Thông tư cơ cấu nợ, tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Để đáp ứng những yêu cầu về hỗ trợ DN và nền kinh tế nói chung, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng đã rà soát, sửa đổi để rút ngắn quy trình và thời gian thẩm định cho vay, đồng thời nghiên cứu “may đo” các sản phẩm tín dụng phù hợp vời từng loại hình DN, ứng dụng công nghệ trong hoạt động cho vay để các DN dễ tiếp cận hơn… Song bất chấp những nỗ lực này tín dụng vẫn tăng rất chậm 4,3%.
Hiện tại, sức hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng… Theo nhìn nhận của Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam) Trần Anh Quý, do nền kinh tế trong và ngoài nước đều gặp khó khăn cho nên mức độ rủi ro cao hơn khi DN khó chứng minh được hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) khó có điều kiện hạ chuẩn cho vay. Điều này dẫn đến các TCTD muốn cho vay mà không tìm được khách hàng đủ điều kiện vay.
Giải quyết vấn đề thị trường
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội cho rằng, hiện các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng phải đi kèm với giảm điều kiện cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cũ để DN đỡ gánh nặng chi phí.
Theo đó, các DN mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15-20% số lượng vay vốn, DN mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm. Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh nhận định, vấn đề quan trọng cần giải quyết là thị trường, tăng tổng cầu, các DN phải được hỗ trợ về đầu ra để có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Vì thế, các chính sách về thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hay các chương trình xúc tiến thương mại cần được thúc đẩy hơn nữa. Các DNNVV cũng phải tích cực tham gia tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường.
Bà Đặng Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư thông minh và hiệu quả về vốn và tín dụng. Vì thế, rất cần hỗ trợ DN các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường và các hoạt động tư vấn quản trị DN.
Trên thực tế, vấn đề thị trường đầu ra với DN là vô cùng quan trọng, nhưng hiện cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều gặp khó do nguồn cầu giảm. Khó khăn nữa là về nguồn tài chính. Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính chưa thực sự thông thoáng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN như việc thực hiện những thủ tục hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước về ưu đãi lãi suất, thủ tục cấp giấy chứng nhận, thủ tục đầu tư… Đây là tổng hòa những khó khăn và đều ảnh hưởng đến sự phát triển của DN.
Dự báo, từ quý III/2023 sẽ là thời điểm vô cùng quan trọng khi mà hàng loạt chính sách, cơ chế, các nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, rồi các bộ, ban, ngành đã được ban hành sẽ đi vào thực thi, đặc biệt là vấn đề về tài chính, tài khóa, vấn đề về giảm các chi phí, giảm lãi vay của các hệ thống ngân hàng… Do đó, từ những hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các DN phải chủ động tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Các DN phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thích ứng với điều kiện hội nhập, tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay, không chỉ DN mà các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải đối diện với nhiều rủi ro lớn: nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” DN mà cũng chính là cứu ngân hàng.
Cần nhận diện đúng điểm nghẽn
Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, cần nhận diện đúng điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn hiện nay nhưng cũng cần bình tĩnh để chia sẻ với Chính phủ, các bộ ngành lúc này, vì chính sách đã rất quyết liệt, hàng ngày hàng giờ, mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không trầm lắng, giải quyết được an sinh xã hội. Trong quá trình triển khai, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết họ cũng gặp khó trong việc đánh giá hiệu quả cho vay vì không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Với những DN có báo cáo tài chính rõ ràng, có phương án khắc phục lỗ, ngân hàng sẵn sàng cho vay.
Vì vậy, muốn thúc đẩy tín dụng, cần phải có những giải pháp tổng thể, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, về cầu tiêu dùng, hay những giải pháp giúp DN giảm tồn kho, tăng đơn hàng, như vậy mới tăng nhu cầu vay vốn của thị trường.
Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay vốn
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, kinh tế khó khăn, nguồn lực của DN cạn kiệt dẫn tới việc các DN không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch, do đó không thể thực hiện các giải pháp về hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng. Dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Nhiều DN có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp…, dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.