Đồng hành gỡ nút thắt về vốn

H.Hương 28/08/2023 08:00

Đa số doanh nghiệp (DN) đều nói đến 3 khía cạnh chính trong câu chuyện khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng gồm: Lãi suất đi vay, thủ tục đi vay và tính hợp pháp của hồ sơ đi vay.

Bà Trịnh Thị Ngân.

Bản chất của các DN nhỏ và vừa là yếu và thiếu rất nhiều mặt. Theo bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, ngân hàng và DN phải song hành, hỗ trợ lẫn nhau.

Bà Ngân cũng cho rằng khó tiếp cận vốn thường xảy ra đối với những DN không có phương án sản xuất rõ ràng, cụ thể. Cùng với đó, nguồn vay có thể không đưa vào mua nguyên vật liệu sản xuất mà sử dụng vào mục đích khác nên gây khó cho các ngân hàng. Một câu chuyện có thật từ DN là lãnh đạo DN này đi vay vốn ngân hàng được 10 tỷ đồng nhưng người nhà anh ta lại mang tiền đó đi mua ô tô. Và các ngân hàng hiện nay đã rất hạn chế việc cho vay như vậy. Việc cấp tín dụng đang được ngân hàng thực hiện rất chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng nên không còn hiện tượng sử dụng hóa đơn “ma” mà phải là dòng tiền thật. Hóa đơn điện tử đang được ngành thuế sử dụng rất nhiều nên đã giúp minh bạch, ngân hàng nhìn thấy ngay dòng tiền của DN.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, không ít DN gặp khó khăn, không còn sản xuất được nữa nên đã chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi mô hình sản xuất khác. Quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất cũng có những khó khăn ban đầu như không lợi nhuận, khó có thể trả nợ ngay, có độ trễ về dòng tiền nhưng quy định hàng tháng phải trả lãi thì chưa làm được nên ngân hàng không dám cho DN vay vì lo ngại nợ xấu.

Để DN có thể tiếp cận được vốn, theo bà Trịnh Thị Ngân, câu chuyện đến từ 2 chiều. Ở DN cần nâng cao năng lực quản trị, cùng đó ngân hàng cũng phải tháo gỡ về thủ tục hành chính và phải có cái nhìn khách quan hơn cho DN. Thừa nhận trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều rủi ro về tài chính, tín dụng nên ngân hàng phải chặt chẽ hơn trong vấn đề thủ tục, song thực tế là không phải DN nào cũng ”xấu” nên cần có những thủ tục thông thoáng hơn, hỗ trợ nhiều hơn, song hành cùng doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, quản lý dòng tiền, hỗ trợ DN.

“Trước đây có một DN chuyên làm về cột thép xuất khẩu và cột sóng sang Myanmar. Công ty này sản xuất rất tốt, một năm có thể đạt lợi nhuận vài chục tỷ đồng và xuất khẩu cả sang Australia. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động của DN này bị ngưng trệ. Vì thế, DN đã đổi hướng sang xuất khẩu nông sản. Nhưng do là ngành hàng mới nên chưa có kinh nghiệm, trong khi ngân hàng lại như một trường “đại học tổng hợp”, ngành hàng nào cũng đều qua ngân hàng hết, ngân hàng lại có bộ phận văn phòng, tín dụng rất am hiểu về chuyên môn, nên đã hỗ trợ cho DN chuyển đổi. Do đó, việc ngân hàng cùng “xắn tay” vào đồng hành với DN là rất cần thiết” - bà Ngân nói.

Ông Hoàng Văn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư V.A Ekatenrinburg, cho biết hoạt động du lịch của Nha Trang vẫn chưa thực sôi động trở lại. Hiện đã có doanh thu nhưng hằng tháng DN vẫn phải phải bù lỗ, trả hàng loạt chi phí như điện, nước, nhân viên... DN đang có dư nợ ngân hàng nhưng vẫn có nhu cầu vay thêm. “Tôi có tài sản thế chấp bằng bất động sản nhưng lại không đáp ứng được điều kiện về phương án kinh doanh. Thực sự để được ngân hàng duyệt cho vay thêm rất khó" - ông Vinh nói.

H.Hương