'Trải thảm đỏ' phải đi kèm 'giữ chân' người tài
“Trải thảm đỏ” là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm sau câu chuyện TP Hồ Chí Minh có thể trả mức lương 120 triệu đồng/tháng với chức danh lãnh đạo làm khoa học. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở thu hút mà còn phải “giữ chân” người tài.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - ĐBQH khoá XIII, “thu hút, trọng dụng” và “giữ chân” phải là một. Bởi “thu hút, trọng dụng” mà không “giữ chân” được thì cũng không có ý nghĩa.
Đề cập đến vấn đề TP Hồ Chí Minh có thể trả lương đến 120 triệu đồng/tháng với chức danh lãnh đạo làm khoa học, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, chế độ đãi ngộ chỉ là một điều kiện. Bởi trả lương tương xứng với trí tuệ và hiệu quả mà họ đáp ứng là việc cần thiết, vì biết tôn trọng trí tuệ, đánh giá đúng chất xám. Thế nhưng đối với người tài, cán bộ khoa học, cán bộ khoa học trẻ thì họ cần môi trường làm việc, được tôn trọng, được phát huy trí tuệ và thực hiện ý tưởng ước mơ sáng kiến của mình. “Khoa học thực nghiệm cần có môi trường làm việc, thiết bị làm việc, và được tôn trọng”-bà An cho hay.
Theo bà An, để tạo được môi trường thu hút người tài phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu. “Người đứng đầu phải đủ tầm, đủ tâm mới quy tụ được người tài xung quanh mình. Vì đủ tầm mới nhìn nhận và đánh giá chính xác ai là người tài, đủ tâm mới không “chèn ép” người tài. Vấn đề quan trọng nằm ở người đứng đầu, có thể không xuất sắc về chuyên môn nhưng phải có tầm nhìn thì sẽ làm tốt khâu tổ chức, quy tụ, đối nhân xử thế” - bà An nói.
Là một nhà khoa học, bà An trải lòng: Từ trước tới nay thu hút, trọng dụng nhân tài rất được các cấp, các ngành quan tâm. Có nhiều chủ trương, Nghị quyết, Đề án về việc thu hút, trọng dụng nhân tài để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài. Thế nhưng “trải thảm đỏ” hiệu quả vẫn còn chưa cao là do chưa có tiêu chí thế nào là người tài. Người tài trong mỗi lĩnh vực có sự khác nhau về quản lý, chuyên môn, giảng dạy.
Bà An nói: “Có khi giảng dạy giỏi chưa chắc nghiên cứu hoặc quản lý đã giỏi. Giỏi trong quản trị doanh nghiệp chưa chắc đã giỏi trong quản lý một viện nghiên cứu. Do đó tiêu chí người tài có sự khác nhau. Quản trị doanh nghiệp phải đưa doanh nghiệp đi lên chứ không thể thua lỗ. Có tiêu chí cụ thể mới là căn cứ để thu hút người tài. Ví dụ các học sinh tốt nghiệp thủ khoa là điều kiện “cần” chứ chưa phải “đủ”. Người sử dụng phải biết ai thực sự tài. Muốn vậy cần có tiêu chí để đánh giá được qua sản phẩm, qua thực tiễn. Biết được người tài thì không bao giờ sợ họ vượt mình nữa”.
Đề cập đến việc hiện nay chúng ta thu hút và trọng dụng nhưng lại thiếu quan tâm đến việc “giữ người tài”, theo bà An: Người tài cần lương và môi trường làm việc. Nếu đáp ứng được 2 yếu tố đó sẽ “giữ chân” được họ. Nếu chỉ trả lương thì cũng không giữ nổi họ. Còn chỉ có môi trường tốt mà lương không đủ trang trải cuộc sống thì người tài không thể toàn tâm toàn ý. Hai điều kiện phải song hành với nhau. Vì thế, nếu có môi trường làm việc tốt thì cần trả lương đủ và ngược lại, trả lương đủ thì cần tạo môi trường làm việc tốt.
Bà An đánh giá hiện đang thiếu cơ chế để giữ chân người tài khi thời gian qua nhiều người đã rời khu vực công sang khu vực tư do chưa tạo được môi trường làm việc tốt, tương xứng với mong muốn của họ. Đó là cơ chế trọng dụng chưa thích hợp. Mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế nhưng bây giờ cần xem lại tại sao vẫn không “giữ chân” được họ? Do cái gì chưa phù hợp để từ đó chỉnh sửa lại chính sách. Vì nguyên nhân của mỗi trường hợp “ra đi” là không giống nhau. Cho nên vì sao chúng ta ban hành nhiều cơ chế chính sách mà chưa thu hút được người tài như mong muốn và giữ chân được họ. Phải tìm được nguyên nhân do đâu mới khắc phục được khiếm khuyết.
“Quan trọng nhất, “thu hút, trọng dụng” và “giữ chân” phải là một. Bởi thu hút, trọng dụng mà không giữ chân được thì không có ý nghĩa gì. Còn không thu hút được thì làm gì có người tài mà giữ chân. Vì thế phải có cơ chế chính sách để đảm bảo thu hút người tài làm việc lâu dài” - bà An nói.
Đề cập đến việc vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bà An đánh giá đây là việc quan trọng và Chính phủ đã nhìn ra “vấn đề số một chính là con người”. Điều này sẽ có những đóng góp tốt cho chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Chất lượng nguồn lực chính là con người. Có con người mới có thể chế tốt vì mọi chủ trương chính sách đều do con người xây dựng và thực hiện nó, thậm chí thiết bị hiện đại nhất cũng là do con người nghĩ ra và xử lý. Đây là vấn đề rất trúng và rất cần cho chúng ta hiện nay.
“Từ trước tới nay thu hút, trọng dụng nhân tài rất được các cấp, các ngành quan tâm. Có nhiều chủ trương, Nghị quyết, Đề án về việc thu hút, trọng dụng nhân tài để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài. Thế nhưng “trải thảm đỏ” hiệu quả vẫn còn chưa cao là do chưa có tiêu chí thế nào là người tài” - PGS.TS Bùi Thị An nói.