Hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
Nhiều trường hợp mới vào thử việc nhưng đơn vị lại ký hợp đồng chính thức. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động vi phạm bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Không cố ý trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
Thống kê từ cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, từ năm 2010 đến 2022, cả nước có gần 8,7 triệu người hưởng chính sách BHTN. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp giải thể dẫn đến số người hưởng chính sách BHTN tăng vọt, từ đó xuất hiện tình trạng trục lợi quỹ BHTN.
6 tháng đầu năm 2023, ngành BHXH đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị. Kết quả, ngành đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỷ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, BHTN số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu -Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách BHTN, đơn vị này đã phát hiện người lao động hưởng sai trợ cấp thất nghiệp bao gồm cả trường hợp đang trong thời gian hưởng và đã chấm dứt hưởng. Vi phạm chủ yếu được phát hiện khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc trong thời gian đang hưởng người lao động đến thông báo tình trạng việc làm hằng tháng.
Số khác là trường hợp theo kết quả các kỳ kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan BHXH và phát hiện người lao động có việc làm, được đóng BHXH nhưng vẫn hưởng BHTN mà không thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi và trực tiếp lắng nghe người lao động là đối tượng hưởng chính sách BHTN, bà Liễu nhận thấy đa số người lao động vi phạm không cố ý trục lợi tiền trợ cấp thất nghiệp mà chủ yếu do họ chưa nắm rõ các quy định về pháp luật lao động nói chung và các quy định về BHTN nói riêng; người lao động nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng, bắt đầu được tham gia đóng BHXH, BHTN mới bị cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp... “Người lao động vi phạm hầu hết là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, các khu chế xuất" - bà Liễu thông tin.
Hoàn thiện chính sách
Cũng theo bà Liễu, việc trục lợi BHTN một phần do luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan BHXH về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng BHTN. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.
Để hạn chế trục lợi BHTN, cơ quan chức năng đưa ra nhóm giải pháp như: Sửa chế độ trợ cấp thất nghiệp trả theo ngày; Bổ sung quy phạm “xác định lỗi mất việc do người lao động và lỗi mất việc do người sử dụng lao động” để từ đó quy định thành 2 chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp khác nhau. Đồng thời nâng mức “hỗ trợ học nghề và mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động” cao hơn mức quy định hiện hành.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội cho rằng, việc sửa đổi luật phải chặt chẽ hơn nữa, nên giải quyết hưởng BHTN cho những trường hợp người lao động bị buộc phải thôi việc do không bố trí được công việc. Còn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải hạn chế. Các chính sách hỗ trợ khác cũng cần đồng bộ hơn.
“Làm chính sách bảo hiểm thì quan trọng nhất là giám sát thất thoát, lạm dụng quỹ. Có trường hợp người lao động đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm không thiết tha với 3 chế độ đầu, mà chỉ muốn được hưởng trợ cấp” - bà Hương lo ngại.
Để tránh những nguy cơ bị truy thu, xử phạt nếu vi phạm hưởng trợ cấp BHTN, người lao động hết sức chú ý: Khi có việc làm lập tức phải thông báo ngay cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi mình đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN biết để tránh trùng đóng trùng hưởng - có việc làm mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp, dẫn tới những hệ lụy bất lợi cho bản thân.