Thanh Hóa: Phủ Tiên kêu cứu
Phủ Tiên nằm trên địa phận xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng. Tuy nhiên, do không được quan tâm trùng tu, tôn tạo, đến nay di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Di tích Phủ Tiên thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đến năm Kỷ Tỵ 1929, do bị nhiều hư hại sau các trận bão, nhân dân trong làng tiến hành trùng tu lại. Những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Phủ Tiên đã bị phá dỡ hoàn toàn.
Sau khi đất nước thống nhất, vào khoảng các năm 1988- 2000, người dân địa phương đã cùng đóng góp để phục dựng lại di tích Phủ Tiên như ngày nay và đến năm 2013, Phủ Tiên được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hiện di tích Phủ Tiên có các công trình như sân chầu, cung Đệ Nhất, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam và nhà Tiền đường. Tuy nhiên do thời gian dài không được quan tâm, di tích này đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện hàng loạt cột kèo... đã bị mục nát, mái ngói bị xô lệch, cấu trúc tường xuất hiện nhiều vết nứt loang lổ, nghiêm trọng hơn toàn bộ mái nhà cung Đệ Nhị đã bị sập đổ hoàn toàn, khiến người dân địa phương và du khách bất an mỗi dịp tới Phủ Tiên cúng bái, hành hương. Để đảm bảo an toàn, Ban quản lý di tích đã phải đóng cửa và dùng những đai sắt gia cố tạm thời các cột trụ, xà gồ, riêng mái nhà cung Đệ Nhị được phủ bạt nhằm bảo vệ tránh nguy cơ bị đổ sập.
Ông Mai Văn Lược - người thủ nhang di tích Phủ Tiên cho biết: Sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích đã kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng, chính quyền có biện pháp để trùng tu, bảo vệ di tích.
“Nhiều năm nay, do tình trạng xuống cấp nên người dân chúng tôi không ai dám vào để thắp hương vì… sợ sập. Tôi cũng không dám vào thắp hương nếu ở ngoài không có người. Nhân dân trong xã rất mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, tu sửa lại và có quy hoạch cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản” - ông Lược nói.
Ông Phạm Văn Thông - Bí thư Chi bộ thôn Lục Sơn cho biết, nhân dân trong thôn đã liên tục có ý kiến phản ánh sự việc lên cơ quan cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có phương án tu sửa cụ thể. Nhiều năm qua, thôn làng phải cùng nhau gia cố chống đỡ, tránh việc sập đổ hoàn toàn. Các cấu kiện bên trong di tích làm bằng gỗ đã bị mối mọt không thể khắc phục cho nên mỗi lần mưa lớn, gió to thì ngói trên mái rụng xuống nơi thờ tự làm hư hại đến các hiện vật bên trong. Vì đây là di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh nên việc tu bổ không thể tự ý, hơn nữa nguồn kinh phí thực hiện tu bổ tương đối nhiều nên địa phương không có đủ nguồn lực.
“Với thực trạng xuống cấp trầm trọng như hiện nay nếu cơ quan chức năng không sớm có giải pháp tu sửa kịp thời thì nguy cơ di tích Phủ Tiên sụp đổ sẽ chỉ là vấn đề thời gian” - ông Thông lo lắng nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nga Giáp khẳng định: Mặc dù chính quyền địa phương đã có phương án gia cố khắc phục tạm thời một số chỗ nhỏ lẻ nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn. UBND xã đã có báo cáo về thực trạng này lên các cơ quan chức năng, đồng thời lập tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ nguồn kinh phí và cho phép địa phương lập dự toán thiết kế, tu sửa chống xuống cấp di tích lịch sử văn hóa Phủ Tiên. “Hiện nay cái khó nhất của địa phương vẫn là nguồn kinh phí, do đó rất mong chính quyền các cấp sớm có những chỉ đạo kịp thời, bổ sung kinh phí để địa phương cùng với nhân dân trùng tu, tôn tạo kịp thời, tránh việc di tích bị đổ sập” - ông Dũng nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Mai Thị Huệ - Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Nga Sơn cho biết: Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của Di tích Phủ Tiên, vào trung tuần tháng 5/2023, UBND huyện Nga Sơn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin chủ trương và biện pháp tu bổ, tôn tạo di tích Phủ Tiên. Ngay sau đó, tỉnh đã giao lại cho huyện tự tìm phương án cũng như nguồn kinh phí để trung tu, tôn tạo di tích.
“Đây là di tích có giá trị về mặt văn hóa tâm linh đối với người dân trong vùng, vì vậy từ lâu chúng tôi đã có ý định tu sửa lại. Tuy nhiên, do huyện không có nguồn kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể tiến hành. Chúng tôi sẽ sớm có buổi làm việc với UBND xã Nga Giáp, bàn về kế hoạch trùng tu di tích. Tính toán xem xã đối ứng được bao nhiêu kinh phí, từ đó mới có phương án cụ thể” - bà Huệ bày tỏ.