Mặt trận

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Quỳnh Anh 27/08/2023 09:00

Lai Châu là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc rất ít người sinh sống. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người đang đổi thay nhanh chóng.

Tỉnh Lai Châu đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nếu Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước thì Mường Tè là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Toàn huyện có 11/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, với trên 90% đồng bào DTTS.

Những năm qua, nhằm quan tâm tới việc phát triển kinh tế đồng bào DTTS, Mường Tè đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh toàn dân để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719.

Pa Ủ là xã có phần lớn đồng bào là người La Hủ. Đồng bào có tập quán du canh, du cư, nay sống nơi này, mai sống nơi khác. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền huyện Mường Tè, UBND xã Pa Ủ đã vận động người có uy tín tuyên truyền cho người dân từ bỏ lối sống du canh, du cư và tổ chức định cư tại bản mới.

Ông Phản Xạ Chô (ở bản Nhú Ma) là người có uy tín trong đồng bào La Hủ. Chính ông đã trực tiếp băng rừng vượt suối tìm đến từng hộ gia đình để động viên, thuyết phục bà con từ bỏ cuộc sống du canh, du cư. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, bà con đã làm nhà, học cách trồng lúa nước, trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Ông Chô cho biết: “Tôi đã vận động bà con hiểu cái gì được làm, cái gì không được làm. Để đảm bảo đời sống bà con phát triển, tôi vận động bà con làm ăn sản xuất, đủ no, đủ mặc. Bây giờ khó khăn nhất là vận động học sinh đến trường, vì vậy chúng tôi cố gắng tuyên truyền, vận động bà con cho học sinh đến lớp đều”. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại Pa Ủ từng chiếm tới gần 90%, nay giảm xuống còn 77%.

Những đổi thay cũng diễn ra ở xã Pa Vệ Sủ. Xã có 2 đồng bào dân tộc rất ít người là La Hủ và Mảng. Trước đây, đời sống của bà con còn khó khăn nhưng năm 2022, sản lượng lương thực của xã Pa Vệ Sủ đạt trên 1.600 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm. Cái đói, cái nghèo dần xa rời thôn bản.

1.-chu-thich-anh-dong-bao-la-hu-da-khong-con-du-canh-du-cu_-tap-trung-lao-dong-san-xuat-phat-trien-kinh-te.-anh-thuy-hong.jpg
Đồng bào La Hủ đã không còn du canh, du cư, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Thúy Hồng.

Ông Giàng Ha Cà - Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương thông qua các Chương trình MTQG 1719, xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong các chương trình để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp. Hiện chăn nuôi gia súc toàn xã đạt khoảng 1.800 con, gần 2.300 con gia cầm và nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả.

Tương tự, tại huyện Nậm Nhùn có 11 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 95%, đặc biệt có các đồng bào dân tộc ít người như Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Trước kia, cuộc sống của bà con chủ yếu là trồng trọt với phương thức canh tác lạc hậu, dựa vào thiên nhiên là chính… Thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, Trung ương cũng như tỉnh Lai Châu đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông đến bản, hạ tầng lưới điện, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trạm y tế xã, trường học… Ngoài ra, còn hỗ trợ để làm nhà ở, khai hoang ruộng nước; cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; đưa con em đồng bào dân tộc Mảng từ các bản xa xôi, hẻo lánh về các trường ở trung tâm các xã, huyện để có điều kiện học tập tốt hơn.

Ông Đỗ Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: Xã có hơn 500 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mảng. Nhờ các chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ sản xuất mà đời sống của đồng bào dân tộc Mảng được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn từ 55-60%, tình trạng du canh du cư không còn xảy ra.

Tính trên toàn địa bàn toàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào Mảng cũng giảm xuống còn mức bình quân 60-70%, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm từ 4-5%. Nhiều hủ tục dần được xóa bỏ, bà con đã sử dụng máy móc, phương tiện canh tác hiện đại vào quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập.

Việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS rất ít người vốn gặp nhiều khó khăn… Song, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai Chương trình MTQG 1719 và một số chương trình khác, cuộc sống của đồng bào các DTTS rất ít người ở Lai Châu đang từng ngày khởi sắc.

Quỳnh Anh