Tấm lòng tri ân với lịch sử
Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ là một người đặc biệt bởi tấm lòng tri ân với lịch sử, với tiền nhân trong đó có các danh nhân văn hóa - lịch sử. Gặp gỡ ông, lúc nào cũng thấy trong ông sự nhiệt huyết, luôn đi thẳng vào các “vùng đất khó” để bạn đọc có cái nhìn khách quan, khoa học về các nhân vật lịch sử.
Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ sinh năm 1945 tại Sơn Tây (Hà Nội), nay đã ngót nghét bát thập, lại đang giữ nhiều vị trí: Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản thơ văn truyền thống và Hán Nôm Việt Nam với trên 40 Câu lạc bộ chi nhánh khắp cả nước; Chủ tịch Chi hội Kiều học Hà Nội... Ông đã xuất bản các công trình nghiên cứu và sách tiêu biểu: “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê”; “Bên lề chính sử”; “Tìm lại thời xưa”; “Việt sử nói gì?"; “Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam”; “Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam”; “Nguyễn Du - Đời và tình”; “Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn”; “Nhà sử học Lê Quý Đôn”; “Các bậc khai quốc triều Lê - Bí sử một vương triều”... đã cho thấy sự khang trang dài rộng cũng là trách nhiệm của người nghiên cứu lịch sử với lịch sử dân tộc.
Đinh Công Vỹ làm luận văn Tiến sĩ về danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Quý Đôn. Điều này lý giải tại sao ông luôn mạnh mẽ, kiên cường, giàu bản sắc và nhất là dám đi đến tận cùng sự khoa học lịch sử trong tất cả các công trình nghiên cứu, sách, tham luận, bài viết trong hàng chục năm và quyết không bao giờ suy suyển, thay đổi văn phong cũng là cá tính đậm đặc của người con xứ Đoài.
Gặp gỡ ông, làm việc với ông, cùng ông bàn soạn và thực hành về các vấn đề nghiên cứu lịch sử hẳn không thể nào quên được vị Tiến sĩ họ Đinh lúc nào cũng nhiệt huyết, luôn đi thẳng vào các “vùng đất khó” để bạn đọc có cái nhìn khách quan, khoa học về các nhân vật lịch sử.
Đối với danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ có một trách nhiệm đặc biệt. Ông đi nhiều vùng đất có liên quan tới Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu như: Sơn Tây, Ba Vì - Hà Nội; Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc... nơi dấu vết của vị tiền nhân họ Phùng còn lưu lại trong các đình, đền, chùa, miếu để cùng với các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tường minh thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu.
Đi tới đâu, Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ đều thể hiện tinh thần làm việc hết sức khoa học và tận tụy. Tôi luôn có cảm giác, trí tuệ của ông những lúc nơi thực địa mới phát huy hết khả năng. Ông luôn có những phát kiến và phản biện rất sắc sảo nhưng luôn trên tinh thần khoa học lịch sử.
Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu chính là một nhân vật bị các sử quan với con mắt thiên kiến, hạn hẹp đã có những ghi chép nghiệt ngã. Nhưng tại sao vương triều Trần, từ khi Thái phó Phùng Tá Chu còn sống đã phong Vương (tước Hưng Nhân Vương), tiếp đó là Đại Vương (tước Hưng Nhân Đại Vương) cho ngài. Nhân dân lập đền thờ ngài. Khu Lăng mộ của ngài đã gần nghìn năm được nhân dân thờ phụng, công trạng to lớn của ngài được các triều đại về sau sắc phong thì những gì còn hà khắc trong các pho chính sử kia rất cần thiết phải xem xét, phản biện lại. Đây cũng là tâm tư, dần đã trở thành tâm huyết của các nhà khoa học lịch sử trong đó có Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ.
Hội thảo khoa học "Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp" cuối năm 2016 chính là một dấu mốc quan trọng để các hậu nhân vinh danh đúng mức danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu. Trên tinh thần khoa học lịch sử, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; UBND huyện Ba Vì và Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã dành trí tuệ và tâm huyết một cách cao nhất, đúng đắn nhất để làm rõ và tôn vinh danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu mà một trong những người có đóng góp lớn là Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ.
Cũng hiếm ai dành thời gian gần trọn vẹn một đời người cho công cuộc nghiên cứu văn hóa - lịch sử, nhất là về các vị vua chúa, tướng lĩnh, danh thần, danh nhân, các nhân vật lịch sử các triều đại như Tiến sĩ Đinh Công Vỹ. Hành trình của ông là sự lao động cật lực của một nhà khoa học trên cánh đồng văn chương và lịch sử. Hôm thực hiện chương trình “Vinh danh Tiến sĩ Đinh Công Vỹ - 60 năm sự nghiệp văn chương và lịch sử” (ngày 19/12/2022 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội), ngồi trên đoàn Chủ tịch, nhà văn Hoàng Quốc Hải; PGS.TS Đỗ Thị Hảo; nhà văn, nhà biên kịch Phương Văn, và nhà văn Phùng Văn Khai dẫn chương trình đã có những giây phút thực sự xúc động.
Trong khuôn viên Nhà Thái học, các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ, bạn văn và nhiều thế hệ thầy và trò của ông đã không ít lần lặng người trước những đóng góp lớn của Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ. Ông cũng không ít lần lặng im trước những tình cảm đặc biệt người thân và đồng nghiệp đã dành cho mình.
Càng làm việc với Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ, chúng tôi càng học được nhiều điều. Cương cường quyết liệt đấy mà rất biết lắng nghe, thuận thảo trong các vấn đề gai góc về văn hóa - lịch sử. Rong chơi ngày tháng đấy song rất biết quy hoạch từng việc lớn nhỏ, trước sau.
Trong những ngày chuyên tâm thực hiện cuốn sách “Danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu”, chúng tôi lại cùng được làm việc với Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ. Vẫn là con người đó. Vẫn những phẩm chất không suy suyển đó. Con người và phẩm chất đã góp phần làm nên bộ sách của họ Phùng khang trang, sâu sắc, toàn diện và nhất là những vấn đề khoa học lịch sử đã từng bước được tường minh để đến với hậu nhân.
Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ sinh năm 1945 tại Sơn Tây (Hà Nội), hiện ông đang giữ nhiều vị trí: Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản thơ văn truyền thống và Hán Nôm Việt Nam với trên 40 Câu lạc bộ chi nhánh khắp cả nước; Chủ tịch Chi hội Kiều học Hà Nội... Ông đã xuất bản các công trình nghiên cứu và sách tiêu biểu: “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê”; “Bên lề chính sử”; “Tìm lại thời xưa”; “Việt sử nói gì?"; “Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam”; “Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam”; “Nguyễn Du - Đời và tình”; “Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn”; “Nhà sử học Lê Quý Đôn”; “Các bậc khai quốc triều Lê - Bí sử một vương triều”...