Về quê mùa nhãn chín

NGUYỄN TRỌNG VĂN 06/09/2023 10:59

“Anh theo em về/Nắng thơm mùa nhãn chín/Quê ta đó đường qua bến hẹn/Xôn xao cánh ong bay”.

Mùa nhãn chín và những ngôi nhà xây mới ở Khoái Châu, Hưng Yên.

Đã thành thông lệ, cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm là tôi lại về Khoái Châu, Hưng Yên. Về thăm quê vào đúng mùa nhãn chín. Thú thực vào dịp rằm tháng bảy cũng là dịp giỗ cụ cố nội của vợ tôi. Trong bữa cỗ mọi người thường nhắc về chuyện xưa. Xưa, vùng Khoái Châu cùng với huyện Văn Giang từng bị vỡ đê 8 lần liên tiếp. Đê vỡ, làng xóm tan hoang, đồng bãi ngập nước. Chỉ thấy cỏ lác với lau sậy mọc um tùm. Bởi thế người dân trong vùng gọi đây là vùng Bãi Sậy.

Bãi Sậy xưa rộng và hoang vu. Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hưng Yên (năm 1883) rồi tỏa quân chiếm đóng khắp cả tỉnh thì ở ngay Phủ Khoái (tên cũ của huyện Khoái Châu ngày nay) có những người dân nghèo quyết không chịu sự cai trị của quân Pháp. Câu chuyện xưa bên mâm cỗ giỗ kể lại rằng: Có ông Đinh Gia Quế, một viên Chánh tuần, đã tiến hành chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp. Và ông Đinh Gia Quế đã chọn Văn chỉ Bình Dân làm địa điểm khởi binh.

“Vậy ông Đinh Gia Quế chính là người khởi sướng và là lãnh tụ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chứ không phải là cụ Tán Thuật?”. Tôi vội hỏi, những người ngồi trong mâm cỗ đều gật đầu đồng tình. “Vậy ông Đinh Gia Quế là người thế nào? Và vì sao lại chọn Văn chỉ Bình Dân để làm nơi dấy binh kháng Pháp?”, tôi thắc mắc.

Thì ra, ông Đinh Gia Quế sinh ngày 1 tháng 11 năm Ất Dậu (tức 10/12/1825), vốn quê quán tại làng Nghiêm Xá, phủ Thường Tín (nay thuộc xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Thời trẻ, Đinh Gia Quế theo Nho học, qua được khảo hạch, đỗ Khóa sinh. Tuy nhiên sau đó ông chuyển đến làng Thọ Bình, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay thuộc xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) làm nghề dạy học và đã coi nơi này là quê hương.

Do có uy tín trong vùng, ông được triều đình ban chức Chánh tuần huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu. Vào ngày mùng 6 tháng 4 năm 1883 tức chỉ sau đúng 10 ngày thành Hưng Yên thất thủ, ông Đinh Gia Quế phất cờ khởi nghĩa với sự trợ giúp của danh sĩ Nguyễn Đình Mai, một người có uy tín ở thôn Bình Dân.

Văn chỉ Bình Dân, nơi tế cờ khởi nghĩa và là Đại bản doanh của Nghĩa quân Bãi Sậy.

Câu chuyện vào hồi thâm trầm. Được biết, thôn Bình Dân (xã Tân Dân, Khoái Châu) xưa vốn là vùng đất học. Làng có tới 8 vị đỗ Tiến sĩ nhưng theo quy định của Triều đình khi đó thì làng vẫn còn thiếu 2 vị Tiến sĩ nữa mới được gọi là “Làng Khoa bảng”. Nghe đến đó tôi nói: “Thế cũng đủ để con cháu tự hào quê mình là nơi đất học rồi”.

Ông Đỗ Văn Bình đứng lên: “Đúng đấy bác ạ. Văn chỉ làng Bình Dân đã nói lên điều đó”. Xưa nay hễ làng Việt nào có Văn chỉ tức là làng có học. Hiện Văn chỉ Bình Dân vẫn còn và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1962, sớm nhất tỉnh Hưng Yên.

Văn chỉ làng Bình Dân chính là nơi tế cờ khởi nghĩa và là Đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Ông Đỗ Văn Bình với ánh mắt đầy vẻ tự hào: “Cụ Đỗ Trịnh - người mà con cháu làm giỗ cũng chính là một chỉ huy của nghĩa quân. Cụ được làng, được nghĩa quân gọi là “Đội Trịnh” đấy các bác ạ”.

Chuyện xưa cứ thế ào ào, nhìn gương mặt ai cũng phấn khởi, cũng đủ đầy làm tôi chợt nhớ lại quãng thời gian xưa vùng đất Khoái Châu vốn bị lụt liên tiếp nên ruộng đồng chẳng có gì ăn. Mãi đến những năm 40 của thế kỷ trước thì đồng đất Khoái Châu trở thành một nơi chuyên trồng đay. Thực ra việc trồng lúa ở vào thời đồng đất sình lầy như vậy rất khó. Thêm vào đó, đất vốn bị lụt tràn vào nên lượng phù sa khá lớn. Phù sa là tốt nhưng lượng lớn hơn rất nhiều lượng đất thịt nên cây lúa cấy xuống bị hỏng. Chắc vậy nên việc trồng đay ra đời và phần nào đó giải quyết được kinh tế gia đình.

Tôi nhớ, hồi những năm 60 của thế kỷ 20, tỉnh Hưng Yên từng coi cây đay là một cây trồng chiến lược, một thứ cây trồng lấy tơ đay xuất khẩu. Chả thế mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã lấy làm cảm hứng sáng tác ca khúc “Chim hót trên cánh đồng đay” một dạo được xem như là “tỉnh ca” của tỉnh Hưng Yên vậy.

Ca khúc có những câu hát như: “Ra đứng mà trông, con sông Hồng đẹp/ Bãi cát bồi phù sa nối tiếp... Trên cánh đồng đay/ Con chim chiền chiện/ Nó hót rằng bà con ta có biết/ Cánh đồng đay ta tung cánh mà bay/ Bay bay khắp đó đây/ Bay từ quê ta mà bay qua các nước/ Đến khi về kìa đay mang được/ Biết bao là máy móc vải bông/ Đay giúp ta cùng làm công nghiệp thành công/ Đay ơi đay quý vô cùng”.

Khoái Châu được coi là thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên.

Câu hát vậy thôi chứ giá trị kinh tế của cây đay không quá lớn, hơn nữa việc trồng đay lại phát sinh ô nhiễm môi trường nước, gây bệnh ngoài da cho phụ nữ và trẻ em. Tôi nhớ hồi đi sơ tán về đây bọn trẻ con chúng tôi thường được nhà trường tổ chức lao động bằng việc giúp bà con tuốt đay. Nhưng tệ nhất là bọn trẻ chúng tôi cứ ào xuống ao, xuống mương ngâm đay ở ngay cạnh các chị, các cô lội nửa người để giặt đay, thế là bị mẩn ngứa.

Có lẽ vì hai lý do đó mà các huyện chuyên trồng đay của Hưng Yên thôi không trồng đay nữa. Nhờ có hệ thống tưới tiêu phát triển nên cánh đồng đay được chuyển đổi sang trồng ngô, trồng lúa. Rất nhiều năm người dân Khoái Châu tìm mọi cách để cải tạo đất và tìm cho đất quê mình một thứ cây trồng thích hợp.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, cây ăn quả như bưởi, cam, táo được đưa vào trồng trọt. Phải nói là đất Khoái Châu trồng lúa chưa “ngon” nhưng trồng cây ăn quả hay trồng cây quất lại khá thuận. Nhờ chuyển đổi cây trồng nên đời sống khấm khá hẳn lên.

Cỗ bàn cũng đã vãn mâm. Ông Đỗ Văn Bình gọi con cháu mang trái cây ra để tráng miệng. Cô cháu dâu bưng lên cả một mâm đầy nhãn. Tôi vội bảo: “Để cho các bác vài chùm thôi. Mang xuống cho các cháu bé cùng ăn”. Ông Đỗ Văn Bình cười rất to: “Của nhà trồng được mà. Mùa này các cháu ăn nhãn suốt ngày ấy mà”.

Hỏi thêm mới hay, mấy năm trước có một người đàn ông ở xã Hàm Tử bên cạnh tên là Miền Thiết mạnh dạn đem giống nhãn lồng Phố Hiến về trồng thử trên đất phù sa Khoái Châu. Cứ nghĩ là trồng thử thôi ai ngờ lại ăn thật. Giống nhãn lồng Phố Hiến dường như bén đất nên tươi tốt và ra nhiều quả ngon. Thế là cả xóm cùng trồng, rồi cả làng cả xã cũng bảo nhau cùng trồng. Ông Đỗ Văn Bình cho hay: “Khoái Châu bây giờ được coi là thủ phủ nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên đấy các bác ạ”.

Được biết, hiện tỉnh Hưng Yên có khoảng 3.820ha trồng nhãn, riêng huyện Khoái Châu đã chiếm tới 50% với sản lượng gần 50 ngàn tấn mỗi vụ. Ông Đỗ Văn Bình mời chúng tôi ra sân hóng gió, rồi theo hướng chỉ tay của ông Bình tôi thấy cả làng san sát những ngôi nhà hai, ba tầng khang trang. Điều ấn tượng là trong vườn các nhà đều sum suê những tán lá nhãn. Nhãn đang vào vụ chín nên màu xanh của lá bây giờ nhường cho mảng màu nâu sậm của những chùm nhãn chín.

Tôi vươn người hít một hơi thở dài và sâu. Nắng mênh mang, mùi nhãn chín ngọt thơm dâng tỏa. Tưởng như khắp làng được bao trùm bởi mùi thơm ngọt ngào của nhãn.

NGUYỄN TRỌNG VĂN