Âm nhạc có thể chữa lành
Theo nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, sống trong một môi trường âm nhạc, mỗi người có khả năng ghi nhận, cảm thụ tốt hơn. Vấn đề là việc cần phải nuôi dưỡng, trau dồi, chăm sóc, thậm chí phải định hướng... để có những hồn nhiên, thánh thiện trong âm nhạc.
Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc thường quan sát những hình ảnh sinh hoạt của gia đình, người thân, và kết nối với âm nhạc để sáng tác. Sau này mở rộng hơn, anh có thể viết về những chuyển động của rất nhiều thứ xảy ra xung quanh.
Từ đó, anh có được cảm giác thánh thiện, hồn nhiên và tìm thấy cái đẹp. Với anh, âm nhạc tác động rất lớn tới trẻ em, nhất là khi kết hợp với hình ảnh. Xem một bài hát trên tivi, các em có thể bắt trước hát theo, hay nhảy múa…
Nhưng cái quan trọng sau cùng là các em dần hình thành được kỹ năng cảm thụ âm nhạc. Bên cạnh đó, âm nhạc tác động mạnh đến giới trẻ qua nhiều thể loại âm nhạc.
Thông tin đại chúng được mở rộng rất nhiều và phát triển nhanh khi giới trẻ tiếp cận với nhiều loại hình âm nhạc quốc tế và trong nước. Từ đó sẽ giúp các em có thêm nhiều năng lượng tích cực, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng êm dịu hơn khi có những chuyện xảy ra trong đời thường, thậm chí âm nhạc còn có thể chữa lành tâm hồn các em.
Trên thế giới, nhiều nơi dùng âm nhạc để dạy dỗ trẻ nhỏ từ rất sớm theo văn hóa bản địa, từ nhạc cổ điển đến nhạc dân ca... Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc cũng vậy, thông qua những ký ức bé thơ, anh từng được nghe những bài hát cho trẻ con rất hay. Vì vậy, anh thực hiện dự án âm nhạc dành cho trẻ em cũng là để nhắc nhở các em nhỏ rằng: Các em không nên để những bài đó vào quên lãng.
Từ chương trình âm nhạc của các cá nhân hay nhóm nhạc nổi tiếng, có thể thấy âm nhạc có sức hút rất lớn cũng như ảnh hưởng đến tâm sinh lý giới trẻ. Âm nhạc là liều thuốc chữa lành tâm hồn và có tác dụng phát triển trí não, khơi gợi trí tưởng tượng, sự sáng tạo.
Bên cạnh đó cũng đánh thức được những ký ức đẹp đẽ của các bậc phụ huynh, của những người lớn tuổi đã có những hình ảnh về thời trẻ thơ.
Và sau cùng cá nhân anh có được cảm giác rất vui: “Vui như trẻ con được cho quà, chứ không chỉ vì mình đã mang thêm được một điều tốt đẹp tới mọi người. Với những bài hát trẻ con, tôi không làm nhạc hát, tôi làm nhạc hòa tấu, có nghĩa chỉ dùng nhạc cụ để chơi chứ không có lời hát để dẫn dắt. Sau đó, tôi dùng ngôn ngữ của nhạc Jazz để biểu cảm về những bài hát đó. Vì tôi là nghệ sĩ chơi Jazz, nên dùng phong cách đó cũng là một lợi thế, mở rộng thêm màu sắc cho các bài nhạc cho trẻ em.
Đây cũng là cách tiếp cận với thị trường âm nhạc quốc tế thông qua ngôn ngữ của Jazz... Để người yêu nhạc thấy được cái đẹp trong âm nhạc đất nước mình. Đặc biệt nhạc của dự án này cũng cho người nghe thấy được cái cũ, cái mới. Đúng vậy, tôi làm nhạc thì phải có hơi thở của thời đại này và đó cũng là cách tôi nói về những loại hình âm nhạc đã một thời qua đi... Như thế mới đúng với quan điểm cá nhân tôi về âm nhạc. Tôi muốn phát triển nó chứ không muốn tái hiện”.
Các bài hát trong dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc gắn liền với tuổi thơ của anh. Bài “Chiếc đèn ông sao” gắn liền với kỷ niệm khi anh còn nhỏ. Thời đó, ông nội của anh chỉ đủ tiền mua cho anh cái đèn ông sao ở phố Hàng Mã (Hà Nội), trong khi đó anh lại thích tàu thủy chạy bằng dầu… Về sau, đủ lớn để nghe được bài “Chiếc đèn ông sao”, rồi sau này khi dự định làm dự án âm nhạc trẻ em này, anh đã nghĩ ngay tới bài hát.
Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc chia sẻ: “Tôi không chơi bài này trọn vẹn. Tôi chơi kiểu lúc ẩn lúc hiện. Đa phần là ngẫu hứng. Tôi muốn lột tả chiếc đèn ông sao của tôi. Và với cách đó, ai cũng có chiếc đèn ông sao của riêng mình, theo cách cảm nhận của mỗi người, theo ký ức của từng người. Cũng như thế, với các bài hát thiếu nhi khác như “Chú ếch con” của tôi cũng sẽ khác. “Đi học” hay “Cả nhà thương nhau” của tôi cũng khác. Cái mà tôi mong muốn là mọi người thấy những ký ức của mình thông qua những bản nhạc mà tôi làm với phong cách mới... Mới với mọi người nhưng cũng không xa lạ gì so với dòng nhạc Jazz của thế giới”.
Thấy được sự thú vị của các bài hát thiếu nhi xưa, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc rất muốn chia sẻ những điều đó với trẻ em ngày nay. Anh cũng mong muốn hướng dẫn để các em biết những bài hát này có thể chơi ở nhiều phong cách khác nhau, từ đó mở rộng khám phá nhiều thể loại âm nhạc khác.
“Vẫn phải ưu tiên âm nhạc có tính bản địa vì ta được sinh ra và lớn lên trong môi trường này, nên cái cần ưu tiên là cá tính. Ta là ai? Ta ở đâu? Ta làm gì? Tất cả sẽ được trả lời bằng những sản phẩm âm nhạc. Các em ngày nay sẽ hiểu được là vẫn còn những nghệ sĩ đang miệt mài lao động để có được con đường riêng, để có thể trả lời với bạn bè quốc tế những câu hỏi trên. Cuối cùng các em cũng sẽ cảm thấy tự hào vì những gì chúng ta đã làm cho các em ngày nay”, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc nói.
Trong dự án, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc đã kết hợp Jazz với âm nhạc bản địa. Anh từng có những bản nhạc tự sáng tác về Bắc bộ, Nam bộ hay các điệu hát ru, bài quan họ với nhạc Jazz. Và bây giờ với các bài hát dành cho trẻ em. Tất cả những điều trên đều là những mảnh ghép vô cùng quan trọng đối với cá nhân nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc trên con đường đi tìm tiếng nói riêng và cũng truyền cảm hứng cho những bạn diễn cùng anh, những người cùng làm các dự án trên về nhạc Jazz. “Tôi là nghệ sĩ chơi nhạc Jazz.
Tôi chơi nhạc Jazz theo cách nhìn và cảm nhận của tôi... Do vậy, với bất cứ thể loại âm nhạc nào, tôi cũng sẽ làm theo cách tôi thấy là độc đáo và hợp lý nhất. Mục đích làm cho trẻ em, nhưng ko phải chỉ có trẻ em mới nghe được, mà người lớn tuổi cũng nghe được. Tinh thần của tôi là mong muốn âm nhạc này được đến với nhiều em nhỏ nhất. Có thể từ đó, các em mới có ý thức để chọn lựa những gì phù hợp cho bản thân”, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc khẳng định.