Lỗ hổng an toàn hàng không: Kỳ cuối - Bộ Công an, Cục Hàng không Việt Nam quyết liệt chấn chỉnh

Nhóm PV 07/08/2023 08:33

Sau loạt phóng sự điều tra “Lỗ hổng an toàn hàng không”, toạ đàm Tọa đàm 'Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?' của Báo Đại Đoàn Kết, Bộ Công an, Công an TP Hà Nội cử nhiều đoàn công tác sang phối hợp xác minh thông tin để điều tra làm rõ; Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đã có văn bản gửi Báo đề nghị được phối hợp trao đổi thông tin về vụ việc, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ‘vá’ lỗ hổng an ninh, an toàn hàng không.

Gấp rút sử dụng VNeID đối với hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay

Sau loạt phóng sự điều tra “Lỗ hổng an toàn hàng không”, Tọa đàm "Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?", ngày 2/8/2023 Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan để triển khai chính thức việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (tài khoản VNeID) đối với hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay.

Theo đó, được sự đồng ý của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với hành khách đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa tại tất cả cảng hàng không trên cả nước.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai áp dụng việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID) đối với hành khách đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa (đối với công dân Việt Nam, VNeID có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân; đối với người nước ngoài, VNeID có giá trị tương đương hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế).

Sử dụng VNeID đối với hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay là giải pháp thiết thực để "vá" lỗ hổng an toàn hàng không’mà Báo Đại Đoàn Kết nêu lên. Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam.

Người khai thác cảng hàng không, các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không về check-in, boarding cập nhật quy định nêu trên vào chương trình, quy chế an ninh hàng không và các tài liệu khai thác liên quan (nếu có).

Trước mắt, quy trình kiểm tra tài khoản VNeID thực hiện như hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Namtại văn bản số 2798/CHK-ANHK ngày 1/6/2023. Các đơn vị chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi tàu bay, bảo đảm an ninh, an toàn; báo cáo Cục Hàng không Việt Nam các vấn đề vượt thẩm quyền.

Về lâu dài, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị ACV, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mua sắm thiết bị kiểm tra tài khoản VNeID thật/giả; kết hợp đầu tư hệ thống xác thực sinh trắc học; tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, thủ tục cấp phép thiết bị xác thực sinh trắc học kết hợp xác thực căn cước công dân, VNeID, hệ thống định danh theo hướng dẫn của Bộ Công an (hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công an); hệ thống xác thực phù hợp tiêu chuẩn và hướng dẫn của ICAO tại Annex9, Doc 9303 và các tiêu chuẩn, hướng dẫn khác của ICAO.

Chấn chỉnh an ninh toàn bộ các cảng hàng không

Trước đó, tại công văn số 1360 ngày 7/4/2023 gửi Báo Đại Đoàn Kết, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ: Đơn vị hiện quản lý, khai thác, thực hiện công tác bảo đảm an ninh an toàn hàng không tại 21 Cảng hàng không trong toàn quốc.

Báo nêu những trường hợp hành khách không có giấy tờ tùy thân/giấy tờ tùy thân hết hạn sử dụng nhưng vẫn đi được tàu bay sau khi đã phải chi trả một khoản phí…; vấn đề này liên quan đến một số Cảng hàng không thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý của ACV.

Với tinh thần cầu thị, khách quan, xây dựng, hợp tác để phát triển và cũng là cơ sở để ACV chỉ đạo các Ban chức năng, các Cảng hàng không xác minh, làm rõ và kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn không để các vi phạm pháp luật đáng tiếc xảy ra.

Đồng thời, để bảo đảm thận trọng, khách quan trong việc giải quyết, xử lý, bên cạnh việc chủ động rà soát, kiểm tra vụ việc ACV sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Bộ Công an tiến hành xác minh làm rõ và có kết luận chính thức…

Báo Đại Đoàn Kết đã thực hiện loạt phóng sự điều tra “Lỗ hổng an toàn hàng không”. Đây là loạt bài điều tra công phu của phóng viên Báo trong suốt 3 năm qua. Loạt bài viết đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả, người dân và cơ quan chức năng các cấp.

Chỉ thị tăng cường giám sát an ninh an toàn liên quan đến việc kiểm tra giấy tờ tùy thân hành khách sử dụng để đi tàu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng nêu rõ:

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ an ninh nội bộ liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát an ninh hàng không (ANHK) đối với hành khách đi tàu bay trong đó có việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách sử dụng để đi tàu bay; Để ngăn ngừa việc gây phiền nhiễu, tiêu cực làm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh an toàn hàng không và hình ảnh của lực lượng kiểm soát ANHK, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP yêu cầu Thủ trưởng Ban chức năng và các Cảng hàng không trực thuộc, thực hiện nghiêm các nội dung sau:

Yêu cầu lực lượng kiểm soát ANHK thực hiện đúng quy định, quy trình, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ liên quan đến việc kiểm tra giấy tờ của hành khách sử dụng để đi tàu bay nói riêng và các quy định, quy trình, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm ANHK.

Cán bộ quản lý các cấp của lực lượng kiểm soát ANHK tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết hợp với công tác nắm tình hình, bảo vệ an ninh nội bộ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường hợp nhân viên gây phiền nhiễu, tiêu cực, có biểu hiện thực hiện không đúng quy định, quy trình, hướng dẫn công việc liên quan đến việc kiểm tra giấy tờ của hành khách sử dụng để đi tàu bay cũng như việc chấp hành quy định khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nhân viên mặc đồng phục một hãng hàng không, nhân viên mặc đồng phục an ninh ở các Cảng hàng không hỗ trợ hành khách không có giấy tờ tuỳ thân.

Nhân viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ của hành khách sử dụng để đi tàu bay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu phát hiện những nội dung bất thường, nghi vấn liên quan đến giấy tờ tùy thân của hành khách phải báo cáo ngay cho cán bộ trực chỉ huy Đội để được hướng dẫn giải quyết.

Cảng hàng không xây dựng kế hoạch đánh giá rủi ro ANHK trong đó có nội dung đánh giá rủi ro liên quan đến giấy tờ của hành khách để sử dụng đi tàu bay. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) cùng với việc xây dựng kế hoạch khắc phục, phòng ngừa.

Ban Kỹ thuật công nghệ - Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban An ninh, các Cảng hàng không và các cơ quan đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong quá trình làm thủ tục đi tàu bay của hành khách bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, hạn chế tiêu cực, phiền hà.

Nhiều hành khách sau khi chuyển khoản làm dịch vụ bay không giấy tờ thông qua các đại lý đã được cấp các giấy “thông hành” có con dấu mang tên hãng Bam boo Airways, chữ ký của chức danh người đại diện Vietjet Air, chữ ký của ANSB Đà Nẵng.

Trước đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Cảng HKQT Nội Bài) cũng có công văn gửi Báo Đại Đoàn Kết nêu rõ: Theo thông tin của bài báo “lỗ hổng an ninh an toàn” phải được các cơ quan làm rõ các cá nhân sai phạm và đặc biệt hơn, đảm bảo tuyệt đối an ninh cho mọi chuyến bay, hành khách qua các Cảng hàng không của Việt Nam, đồng thời giữ gìn uy tín của hàng không Việt Nam trên bình diện khu vực và thế giới.

Nhân viên mặc trang phục các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways hỗ trợ, giới thiệu hành khách với những người mặc đồng phục an ninh sân bay sau khi đã chuyển tiền "dịch vụ hỗ trợ bay" cho đại lý bán vé.

Cảng HKQT Nội Bài khẳng định sẽ cương quyết xử lý đến cùng bất kỳ sai phạm của bất kỳ cá nhân nào thuộc phạm vi trách nhiệm của Cảng và thông tin đến Quý Báo khi có kết quả xác minh, xử lý vụ việc.

Bộ Công an, Công an Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam vào cuộc xác minh

Ngày 15/5/2023, công văn của Cục Hàng không Việt Nam do Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn ký gửi Báo Đại Đoàn Kết nêu rõ: Giấy tờ đi tàu bay là thông tin để khẳng định hành khách đang làm thủ tục là hành khách có tên trên chuyến bay. Đây là thông tin quan trọng làm cơ sở để giải quyết các vấn đề về quyền, nghĩa vụ của hành khách, hãng hàng không trong hợp đồng vận chuyển khi phát sinh các vụ việc như:

Trách nhiệm đền bù thất lạc hành lý, thanh toán bảo hiểm (nếu có); điều tra xác minh làm rõ trách nhiệm khi có vụ việc mất an ninh, an toàn hàng không liên quan; đánh giá rủi ro an ninh hàng không, phát hiện, ngăn chặn những đối tượng truy nã, cấm bay, đối tượng phải tăng cường kiểm tra an ninh hàng không,…

Nhân viên của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không Việt Nam đã cấp những "giấy thông hành" không đúng quy định để hỗ trợ hành khách bay không giấy tờ tuỳ thân.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá việc nếu có cá nhân, tổ chức trục lợi để lọt người không có giấy tờ tuỳ thân theo quy định của pháp luật làm thủ tục hàng không và đi tàu bay là hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm quy trình, quy định định về phục vụ hành khách, hành lý, an ninh, an toàn hàng không…

Nhiều khách hàng phải đóng những khoản phí để được "hỗ trợ bay không giấy tờ" tuỳ thân.

Cùng với đó Đoàn công tác của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội khi làm việc với đó cũng khẳng định: Việc hành khách bay không có giấy tờ tuỳ thân sẽ ẩn hoạ những nguy hiểm khó lường. Nó có thể gây rủi ro an ninh hàng không, phát hiện, ngăn chặn những đối tượng truy nã, cấm bay...

Các "mật khẩu", "ký hiệu lạ" được viết trên vé máy bay.

Đồng thời, khẳng định hiện cơ cơ quan Bộ Công an, Công an Hà Nội đang vào cuộc rốt ráo để điều tra xác minh làm rõ trách nhiệm khi có vụ việc mất an ninh, an toàn hàng không liên quan; không bỏ lọt tội phạm,…

Các chuyên gia đề xuất giải pháp 'vá lỗ hổng' an toàn hàng không

Nhằm tìm các giải pháp góp phần “vá lỗ hổng an toàn hàng không”, trước đó 9h30 ngày 17/5/2023, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm “Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?”.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt cho biết, loạt bài phóng sự điều tra dài kỳ: “Lỗ hổng an toàn hàng không” do Báo Đại Đoàn Kết thực hiện vừa qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả, người dân và cơ quan chức năng các cấp. Đây là loạt bài điều tra công phu của nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong suốt 3 năm qua.

Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm “Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?”.

Nhưng trong khuôn khổ các bài báo sẽ không thể chuyển tải hết thông tin, vì vậy, với mục đích nhằm tìm kiếm các giải pháp góp phần “vá lỗ hổng an toàn hàng không” và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách bay an toàn, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm: “Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?”. Tọa đàm là cách làm báo hiện đại và khách quan để đại diện Cục Hàng không Việt Nam, các luật sư, chuyên gia hàng không và đông đảo hành khách, bạn đọc soi chiếu vấn đề nhiều chiều.

Ông Tô Tử Hùng - Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam.

Ông Tô Tử Hùng - Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: Công tác đảm bảo an toàn hàng không dân dụng là vấn đề không chỉ ở phạm vi nội bộ đất nước mà còn mang tính toàn cầu. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra các quy chuẩn chặt chẽ và những khuyến cáo thực hành. Trong đó có các tiêu chuẩn bắt buộc và Chính phủ Việt Nam phải thực hiện và khuyến cáo thực hành ở mức cao nhất có thể, đáng chú ý quy định về các giấy tờ khi bay là rất quan trọng.

Việt Nam cũng có những quy định rất rõ ràng về việc mang giấy tờ tuỳ thân khi lên tàu bay, trong đó có khoảng 14 loại giấy tờ chứng minh nhân thân khi bay trong nước. Các loại giấy tờ này giúp các nhân viên hàng không đánh giá về mặt tiêu chí của những hành khách đi tàu bay có đúng người đó hay không. Việc xác thực nhân thân rất quan trọng.

Sau vụ 4 nữ tiếp viên xách hàng cấm gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, có nhiều câu hỏi đặt ra đối với việc kiểm soát an ninh hàng không, đặc biệt là kiểm soát hành khách. Liên quan tới vụ việc này, ông Hùng cho biết, vấn đề giấy tờ nhân thân rất quan trọng khi sử dụng dịch vụ hàng không, mang tính bắt buộc về mặt pháp luật. Người dân buộc phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật trước khi bay.

Ông Hùng cũng cho hay: “Trong loạt bài Báo Đại Đoàn Kết đăng tải, tôi thấy có nói đến từ “lỗ hổng”. Trong ngành hàng không chúng tôi rất sợ từ này. Loạt bài của Báo Đại Đoàn Kết đã được các cấp của Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm và đã có những văn bản chỉ đạo. Chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và xác minh những ai đã mặc đồng phục sân bay, đồng phục của các hãng hàng không để tham gia tư lợi, tiếp tay.

Ông Hùng khẳng định sẽ không dung túng cho đường dây hay bất cứ cá nhân nào nếu có hành vi vi phạm như báo đã nêu. Qua buổi tọa đàm, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn, khách hàng nâng cao nhận thức “phòng hơn chống”.

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu – chuyên gia “giải mã” tội phạm học.

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu – chuyên gia “giải mã” tội phạm học cho rằng: Công tác trong lĩnh vực an ninh, Hàng không dân dụng Việt Nam là một trong những môi trường rất an toàn. Trong nhiều năm qua, Hàng không Việt Nam không xảy ra nhiều sự cố lớn. Số liệu thống kế trong năm 2022 có hơn 600 sự cố, sự việc xảy ra, chủ yếu liên quan tới giấy tờ.

Trở lại loạt bài điều tra của Báo Đại Đoàn Kết, TS Đào Trung Hiếu cho biết, khi tiếp cận loạt bày này, ông rất ngỡ ngàng và đánh giá đây là tác phẩm báo chí công phu, với tài liệu chứng cứ thu thập đầy đặn, chặt chẽ, xác định sự việc là có thật. Loạt bài của Báo Đại Đoàn Kết đã cho thấy rõ, có sự liên kết giữa các đại lý bán vé máy bay với nhân viên các hãng hàng không và cả một số cán bộ chức trách hoạt động tại sân bay. Việc này cơ quan chức năng đã nhận diện.

“Tôi có thể nêu một số nguy cơ có thể xảy ra khi một chuyến bay không kiểm soát chặt chẽ danh tính của khách hàng như: đối tượng khủng bố, phạm tội bỏ trốn, trộm cắp tài sản, TS Đào Trung Hiếu nhấn mạnh: “Việc để lọt những người không rõ danh tính trên máy bay là vi phạm nghiêm trọng quy định của hàng không Việt Nam. Đây là hiện tượng cá biệt nhưng cần thiết nhận diện để bịt lỗ hổng trong công tác quản lý”- TS Hiếu nói.

Về kiến nghị giải pháp, TS Đào Trung Hiếu thì nhấn mạnh: “Không có gì thuận tiện hơn công nghệ, nó có khả năng xác thực chính xác nhất, công tư phân minh, ít có sự can thiệp của con người nhất”.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV: Loạt bài phóng sự điều tra “Lỗ hổng an toàn hàng không”, có thể thấy các quy định về kiểm soát giấy tờ tùy thân đối với hành khách khi đi máy bay hiện nay còn bất cập. Hành lang pháp lý có đầy đủ nhưng cần đặt câu hỏi: “Tại sao những trường hợp không có giấy tờ như vậy có thể qua được kiểm soát về mặt an ninh?” đồng thời ông Chiến khẳng định: Đây là lỗ hổng quản lý. “Ngành hàng không thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhưng tại sao sự việc này vẫn diễn ra. Tôi đặt trường hợp, nếu lên máy bay mà ngồi cạnh đối tượng không rõ danh tính thì thực sự bất an. Như vậy, nếu đã xác định rõ nguyên nhân thì chúng ta phải đưa ra biện pháp kiểm tra và xử lý” – ông Chiến nêu quan điểm.

Luật sư Trần Thu Nam - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Trần Thu Nam - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội: Báo Đại Đoàn Kết đã có loạt bài điều tra chỉ ra nhiều ‘lỗ hổng an ninh, an toàn hàng không, trong đó tôi nhận thấy có lỗ hổng nguy hiểm nhất do con người.

Trong một số trường hợp nhất định như chứng minh nhân dân hết hạn, bị mờ hoặc gia đình có việc bất khả kháng… vì vấn đề nhân đạo, chúng ta có thể tạo điều kiện nhưng vẫn phải đảm bảo về an ninh hàng không. Những trường hợp này đương nhiên không được thu thêm bất cứ khoản phí nào. Do vậy, những khoản tiền thu thêm như Báo Đại Đoàn Kết phản ánh có thể gọi là hành vi chiếm đoạt. Bởi nó chuyển quyền sở hữu từ người này đến người kia, mà theo quy định của pháp luật thì không được thu những khoản tiền đó. Về mặt hình sự, nếu một người đưa ra các thủ đoạn không đảm bảo an ninh hàng không để trục lợi, có thể cấu thành rất nhiều tội danh như: chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu cơ quan tổ chức,... Người sử dụng tài liệu đó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, cần phải công khai và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xác định những cá nhân nào đã làm trái quy trình, có sự móc ngoặc hay không, có sự thông đồng hay không giữa nhân viên an ninh, nhân viên hãng hàng không để “lọt” các trường hợp không đảm bảo an ninh hàng không nhưng vẫn được bay. Từ đó bịt ngay “lỗ hổng” này nhằm đảm bảo an ninh ngành hàng không cũng như an toàn của hành khách.

Doanh nhân Nghiêm Bỉnh Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà phố - khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không cho rằng: “Bộ Công an đã triển khai công nghệ định danh điện tử, check mã QR Code trong định danh cá nhân. Nếu như trong tương lai ứng dụng được triệt để công nghệ vào khâu kiểm tra thì sẽ đảm bảo cao nhất về sự an toàn và minh bạch trong an ninh hàng không”.

Nhà báo Lê Anh Đạt – Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết.

Từ giải pháp của các chuyên gia tại cuộc Tọa đàm, Nhà báo Lê Anh Đạt nhấn mạnh mấy ý sau:

Thứ nhất, còn sử dụng giấy tờ tùy thân, trải qua các khâu thẩm duyệt để được bay thì còn có tiêu cực. Bởi vậy, cần áp dụng công nghệ, sinh trắc học, dữ liệu điện tử… để giảm các thủ tục có sự tham gia, can thiệp của con người. Một giải pháp công nghệ có thể giải quyết căn bản những băn khoăn, lo lắng của chúng ta, và lỗ hổng sẽ được bít lại đáng kể.

Thứ hai, lỗ hổng đã xuất hiện trong khi hành lang pháp lý của chúng ta chặt chẽ thì có thể lỗ hổng ấy xuất phát từ quá trình tổ chức thực hiện, liên quan đến quy trình và yếu tố con người. Vậy, phải xem xét lại đội hình, đội ngũ, công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, cũng như kỷ luật trong thực hiện quy trình công việc. Cần rà soát, đánh giá quy trình và con người. Dùng cả xử lý mạnh về pháp luật, cũng như siết chặt các quy trình, quy định và đạo đức trong công việc.

Thứ ba, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để tránh việc tiền mất, nhưng lại vi phạm pháp luật (kể cả vô tình).

Cuộc tọa đàm, Ban Tổ chức không kết luận mà gửi toàn bộ thông tin, giải pháp đến các cơ quan chức năng, qua đó đề nghị các cơ quan này tham khảo, giải quyết triệt để, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, mang lại bình yên cho nhân dân.

Báo Đại Đoàn Kết- Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng giám sát, phản biện (báo có 2 chuyên mục: Giám sát- Phản biện và Tiếng dân) đã nêu vấn đề và mong các cơ quan chức năng nếu thấy có lỗ hổng thì có giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân. Báo đã thực hiện một cách có trách nhiệm trước những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống.

Qua loạt bài viết điều tra "Lỗ hổng an ninh hàng không", Báo Đại Đoàn Kết hướng đến những điều tốt đẹp, nêu sự việc cụ thể để nhận diện vấn đề lớn về chính sách, qua đó mong muốn được hoàn thiện chính sách (nếu đã lỗi thời, lạc hậu, cản trở) để phục vụ tốt hơn cuộc sống người dân.

Sau khi Tọa đàm khép lại, ngày 2/8/2023 Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đã cho phép hành khách sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID để thay các loại giấy tờ truyền thống khi làm thủ tục các chuyến bay nội địa tại tất cả các sân bay ở Việt Nam. Việc gấp rút đưa vào sử dụng VNeID đối với hành khách sẽ giúp công dân có thêm phương thức, loại giấy tờ điện tử khi đi máy bay, nhanh chóng khi làm các thủ tục kiểm tra, trong trường hợp người dân quên, hoặc làm rơi giấy tờ truyền thống đồng thời phần nào đã "vá" được "lỗ hổng an toàn hàng không".

Nhóm PV