Ghi ở Mộc Châu
Tôi đã sửa soạn tâm thế đến với vùng đất Mộc Châu (Sơn La) bằng cả niềm háo hức, đợi chờ...
Những ngày ở cao nguyên Mộc Châu, nơi cây chè cùng những trang trại bò sữa đã gắn liền và làm nên lịch sử của vùng đất này. Tôi cứ liên tưởng mãi về một vùng đất ở trời Âu xa xôi nào đó. Cái cảm giác ấy có được là bởi tiết trời dịu ngọt, man mát.
Đứng từ trên tầng cao của khách sạn, nhìn qua ô cửa kính, bất giác tôi chợt nghĩ về một thành phố đầy tiềm năng và lớn mạnh trong tương lai. Sự náo nhiệt trên những con đường lớn đông người qua lại sẽ dần hình thành. Nơi này xứng đáng là đầu tàu du lịch của Sơn La. Nhưng tôi vẫn muốn được đắm mình trong không gian yên bình ở vùng đất này.
Quả là cầu được ước thấy. Hôm ấy, chúng tôi được anh Nguyễn Bá Sơn - cán bộ Trung tâm truyền thông Văn hóa - Thể thao huyện Mộc Châu dẫn đường. Trước lúc lên xe anh đùa rằng, anh sẽ đưa mọi người tới một nơi ngược về 30 năm trước. Chiếc Ford 16 chỗ lắc lư, và nhiều lần ngắt máy để vượt con đường dốc cao, quanh co gần 7 km để đến thăm bản du lịch cộng đồng Tà Số thuộc xã Chiềng Hắc của huyện Mộc Châu, nơi sinh sống của người Mông nằm chót vót trên núi cao.
Năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ người dân bản đã cùng nhau đồng lòng góp sức hoàn thành tuyến đường dốc quanh co lên bản bằng đường bê tông rộng rãi, rút gần khoảng cách của bản Tà Số với các bản lân cận và khu vực thị trấn. Ấn tượng đầu tiên chính là phiến đá khắc chữ làm biển chào nổi trên đỉnh đồi lộng gió. Từ vị trí này nhìn xuống có thể bao quát được khu vực thị trấn Mộc Châu và khu trung tâm xã trải dài trong ánh nắng hanh hao.
Trong hành trình, điểm đến là ngôi làng Hang Táu, một địa danh thuộc bản Tà Số. Nằm biệt lập cách xa đường lớn gần 3,5 km đường đèo dốc cao. Nơi này được ví là vùng đất thời gian ngưng đọng, bởi sự hiện đại vẫn chưa chạm tới.
Một vùng đất 3 “không”: Không điện chiếu sáng, không sóng điện thoại, không internet. Tới Hang Táu chỉ có thể di chuyển bằng xe máy, qua lối mòn khó đi trên những sống đá bên bờ vực cao thăm thẳm, kích thích sự tò mò khám phá của khách tới thăm.
Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện với Mùa A Súa khi xe chồm qua những hõm đá. Đó là một chàng trai trẻ người Mông nhà ở bản Tà Số. A Súa bảo: Em thi tốt nghiệp lớp 12 xong là làm xe ôm chở khách từ ngoài đường lớn vào Hang Táu. Nếu đủ điểm em sẽ đi học làm du lịch anh ạ. Súa lại hỏi tôi đã đến nơi này lần nào chưa? Tôi nói đây là lần đầu tiên tôi đến. Vậy thì anh sẽ muốn ngủ lại ở Hang Táu cho xem! Súa nói với tôi. Tôi không hiểu vì sao chàng trai trẻ nói vậy. Trong lòng lại ngổn ngang, háo hức để chờ câu trả lời thú vị cho riêng mình.
Tới nơi, trước mắt mọi người là thảm cỏ xanh ngút ngàn. Thật hiếm nơi nào còn giữ được sự bình yên, hoang sơ và đẹp như nơi này. Hang Táu vốn là phát âm trong tiếng Thái, tiếng Mông là “Tà Tù Pfay” đều có nghĩa là lòng chảo. Quả thực đây là một lòng chảo nằm gọn được bao quanh bởi những dãy núi cao. Một “đứa con” xanh nõn tròn vạnh được bà mẹ thiên nhiên nhiên kiến tạo, ôm ấp giữ gìn đến bây giờ.
Chúng tôi ngồi giữa thảm cỏ xanh, ngắm nhìn đàn ngựa nhởn nhơ, thong dong nhấm nháp cỏ non. Trò chuyện cùng chúng tôi là Mùa A Chư sinh năm 1978 - chàng trai Mông gây ấn tượng với tóc cột đuôi gà cùng nụ cười dễ mến. A Chư kể rằng, Hang Táu vốn là nơi những người trong bản tới để dựng lán nghỉ tạm khi đi làm nương từ hơn 40 năm về trước. Hiện tại bây giờ có 20 hộ, đều là anh em họ hàng quây quần bên nhau.
Tôi nhìn những những chú lợn lông dài, mũi nhọn lặc lè cong lưng kiếm ăn sau những hốc đá. Những con trâu thở phì phì ủi mũi nhai cỏ trên cánh đồng mà cứ nghĩ về những ngày gian khó ở quê tôi cách đây hơn 20 năm. Thời của những đứa trẻ chưa biết đến smartphone, thời của người già chưa biết đến ánh sáng của bóng điện.
Thời của thanh niên chưa biết đến Facebook, Zalo. Chẳng ai nghĩ đến nhà hàng, siêu thị… bàn tay trồng ngô, khoai, sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm đủ ăn bốn mùa. Đang mải theo dòng suy ngẫm thì có tiếng người đi từ căn nhà mới dựng về phía chúng tôi. Người bắt tay tôi là Mùa A Choa sinh năm 1975, trưởng làng Hang Táu.
Như đã quen biết từ lâu lắm, anh chỉ ra mênh mông trước mặt kể rằng: Vùng đất này đã có người ở từ thời Pháp thuộc. Những năm 80 của thế kỷ trước bố của anh em A Choa và A Chư là một trong những người khai phá Hang Táu. Cụ ông Mùa Láo Sếnh lấy 2 vợ và có tới 9 người con. Nhưng đặc biệt là cả 2 vợ của cụ Sếnh đều sống hòa thuận. Con cháu đến nay đã gần 100 nhân khẩu. Họ Mùa đến Hang Táu và ở lại làm nương, chăn nuôi, họ chỉ trở về nhà vào dịp tết lễ. Những ngôi nhà của người Mông nằm giữa bản Tà Số nay đã trở thành khu homestay đắt khách du lịch tới thăm và lưu trú. Nơi này như chiếc nôi bí ẩn nằm lọt thỏm dưới những dãy núi cao mang lại cảm giác khác lạ.
Tôi bắt gặp từng nhóm thanh niên nam nữ đang say mê với những tấm hình chụp trong thung lũng. Hỏi chuyện em Từ Khánh Linh, sinh viên năm 2, khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Em bảo nơi đây thú vị thật anh ạ. Nói rồi Khánh Linh lại ùa theo đám bạn đang kéo nhau ào về phía những mỏm đá nằm giữa lòng chảo. Những tiếng cười như bay vút lên cao. Lúc này ở trên cánh đồng cỏ những người phụ nữ đang thêu thùa.
Tôi hỏi các chị rằng, những hoa văn, họa tiết này có mẫu để mình làm theo không? Các chị bảo, chẳng có mẫu nào để mình làm theo đâu, chỉ nghĩ ra trong đầu rồi thêu theo mà thành khăn thành áo. Tôi thầm nghĩ, có lẽ sắc màu trên khăn áo của mỗi người phụ nữ Mông sẽ mang một câu chuyện riêng. Tôi còn bắt gặp một cậu bé Mông ngồi trên mỏm đá giữa thung lũng cỏ xanh. Cậu bé có đôi mắt ngây thơ và sáng lấp lánh trên khuôn mặt buồn. Tôi nhận ra ở đây những đứa trẻ luôn toát lên sự khoáng đạt, phảng phất cái hoang hoải của nắng gió, của sương núi trên nét mặt, mái tóc…
Theo lời mời của A Choa, chúng tôi đến thăm căn nhà mới của anh. Một chiếc bàn dài được trải lá chuối xanh, thịt lợn thái miếng lớn thơm nức mũi xếp ngay trên mặt lá, cùng với rau rừng, măng và rượu đặt dưới gầm sàn còn ngổn ngang gỗ và đồ dùng chưa kịp thu dọn. Đặc biệt, thứ rượu ngô chắt từ trong can vào những chiếc chén được cắt từ những gióng tre. Sau vài ống rượu, tôi đã cảm thấy mình như say.
Trong câu chuyện chưa dứt, Mùa A Choa kể với tôi, người dân sống hòa thuận với thiên nhiên. Quanh năm, tự chăn nuôi, trồng trọt nên chẳng sợ đói. Chỉ sợ nhất là vào mùa đông thiếu quần áo ấm, vì cái lạnh giá ở đây như cật nứa cứa vào da thịt.
Người lớn thì có thể chịu đựng hay làm việc luôn chân tay để xua đi cái rét. Nhưng trẻ con thì khổ, mặc cả quần áo của bố mẹ cũng không đủ. Chợ thì ở mãi tận trung tâm huyện, đi bộ đường đèo dốc mấy ngày mới tới nơi nên việc mua bán quá khó. Khi có người ốm thì càng vất vả hơn, nhẹ thì tự tìm cây thuốc lá để chữa bệnh, nhưng người bệnh nặng thì dùng cáng võng buộc đòn, thanh niên thay nhau khênh vượt đèo ra quốc lộ 6 tới bệnh viện huyện. Cuộc sống cứ như thế đi qua…
Chuyện của A Choa làm tôi nhớ đến câu chuyện của chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa huyện Mộc Châu về vận động và xóa mù chữ cho chị em phụ nữ ở Tà Số là hành trình gian nan. Rồi để chị em có thể nói tiếng Anh giao tiếp với khách du lịch lại đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ nhiều lắm.
Chị lặn lội vào tận nơi, đến từng gia đình vận động việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp và đặc biệt là tuyên truyền nếp sống văn minh cho bà con. Để thay đổi được nếp sống đã tồn tại rất lâu của một vùng đất không phải chuyện một sớm một chiều, nhưng đó là những dấu mốc quan trọng trong đà phát triển du lịch của Mộc Châu hôm nay.
Từ khi có du lịch, có đường giao thông và kinh tế phát triển, Hang Táu không chỉ là chốn dừng chân sau những mùa nương của người dân bản Tà Số, của dòng họ Mùa mà đã trở thành một điểm đến hấp dẫn. Chúng tôi rời Hang Táu khi nắng chiều sắp tắt. Hoàng hôn buông trên những nương ngô xanh rì, trên những vạt núi cao phía trước.