V-League 2023 - 2024: Thay đổi để phù hợp và hiệu quả
Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gồm Giải VĐQG (V-League 1), Giải hạng Nhất quốc gia (V-League 2) và Cúp Quốc gia sẽ thay đổi khi áp dụng khung thời gian mới. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, V-League nói riêng và mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung mới tổ chức vắt từ năm này sang năm khác. Điều này phù hợp với định hướng của LĐBĐ châu Á (AFC) trong việc các giải VĐQG khu vực thi đấu cùng khung thời gian, như lịch thi đấu tại châu Âu.
Phù hợp với quốc tế
Mùa giải năm 2023 sẽ kết thúc vào ngày 27/8 với vòng đấu cuối cùng (vòng 7) nhóm A, giai đoạn II V-League 1. Đây sẽ là mùa giải cuối cùng được áp dụng khung thời gian từ đầu năm cho tới tháng 9.
Năm 2023-2024 là mùa giải đầu tiên mà bóng đá Việt Nam chuyển sang thi đấu theo khung thời gian của châu Âu, phù hợp với hệ thống lịch thi đấu FIFA, tức là từ mùa thu năm nay sang mùa hè của năm kế tiếp. Mùa giải mới, vòng 1 các giải V-League 1 và V-League 2 dự kiến khởi tranh vào ngày 20/10/2023 và kết thúc vào cuối tháng 6/2024 với thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt, thay vì chia nhóm tranh ngôi vô địch và đua trụ hạng như Night Wolf V-League 2023. Theo lịch của VPF, lượt đi V-League kết thúc ngày 9/3/2024, lượt về kết thúc ngày 30/6/2024.
Cùng với V-League, giải hạng Nhất cũng thi đấu sớm và vắt qua hai năm. Hạng nhất mùa giải 2023-2024 kết thúc lượt đi vào ngày 4/3/2024 và kết thúc lượt về vào ngày 29/6/2024. Cúp quốc gia 2023-2024 bắt đầu từ 24/11/2023 và kết thúc bằng trận chung kết ngày 7/7/2024. Trận tranh siêu cúp quốc gia dự kiến diễn ra vào ngày 7/10 được xem là điểm khởi đầu cho mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2023-2024.
V-League 1 có 14 đội tham dự, trở lại với thể thức thi đấu truyền thống với 2 lượt đi và về, tổng số 26 vòng đấu. Dự kiến sẽ có 1,5 suất xuống hạng, trong đó đội xếp thứ 14 xuống hạng trực tiếp, đội xếp thứ 13 sẽ có trận tranh vé vớt (play-off) với đội xếp thứ nhì ở giải hạng Nhất (V-League 2).
Trong khi đó, giải hạng nhất (V-League 2) sẽ có 12 đội tham gia, thi đấu theo thể thức lượt đi và lượt về với 22 vòng đấu. Đội vô địch giành suất lên hạng trực tiếp và đội xếp thứ 2 sẽ gặp đội xếp thứ 13 ở giải V-League 1 để tranh vé vớt lên hạng.
Trong khi đó, Cúp Quốc gia dự kiến sẽ có sự tham gia của 14 CLB ở giải V-League 1 và 12 CLB ở giải V-League 2, thể thức thi đấu vẫn như những năm qua, chỉ thay đổi khung thời gian tương tự như các giải V-League 1 và V-League 2.
Ở nhiều mùa giải vừa qua, việc V-League mới thi đấu vài vòng phải tạm nghỉ nhường chỗ cho các đội tuyển tập trung, thi đấu đã khiến nhiều HLV bất bình. Đơn cử như tại V-League 2023, mới thi đấu 4 vòng, V-League 2023 phải tạm dừng 45 ngày nhường chỗ cho các đội tuyển quốc gia rồi trở lại thi đấu vài vòng lại nghỉ dài khiến nhiều HLV bất bình. “Giải đấu bị cắt vụn quá nhiều. Quãng nghỉ này gây khó cho các CLB vì cầu thủ vừa bắt nhịp thi đấu 4 vòng thì lại phải nghỉ dài", HLV Chu Đình Nghiêm của Hải Phòng lên tiếng.
Từng làm việc tại Hy Lạp, Ấn Độ và Thái Lan, HLV Hà Nội FC Bozidar Bandovic chưa từng thấy những quãng nghỉ dài như V-League mùa này. Ông cho rằng các cầu thủ, đặc biệt là tuyển thủ quốc gia cần thời gian nghỉ ngơi nhưng việc nghỉ dài có thể gây tác dụng ngược như ngắt mạch phong độ đang tốt. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc V-League nghỉ dài, đặc biệt lại chỉ để phục vụ các cầu thủ trẻ, là đi ngược với xu thế bóng đá chuyên nghiệp…
Chính bởi vậy, việc thay đổi khung thời gian cho 3 giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ mùa giải tới sẽ góp phần chấm dứt tình trạng các giải V-League 1, V-League 2 phải trải qua những quãng nghỉ kéo dài hàng tháng, gây bất lợi về nhiều mặt cho các CLB. Các CLB sẽ nghỉ dài ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, các giải sẽ tạm nghỉ vào FIFA Days khi đội tuyển quốc gia có các trận đấu quốc tế. Hơn nữa, CLB của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi tham gia các giải châu Á như AFC Champions League, AFC Cup.
Mùa giải 2023 được xem là mùa giải bản lề để thực hiện kế hoạch thay đổi khung thời gian tổ chức giải đấu cấp CLB trong hệ thống thi đấu AFC (bắt đầu từ mùa thu của năm trước và kết thúc vào mùa hè của năm sau). Như vậy, các đội bóng có chưa đầy 2 tháng chuẩn bị cho mùa giải mới. Sự thay đổi này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho V-League. Thứ nhất, các cầu thủ được phân bổ lịch nghỉ ngơi, thi đấu ở CLB cũng như đội tuyển quốc gia phù hợp với lịch của FIFA. Thứ hai, với lịch thi đấu theo chuẩn chung này, thời gian chuyển nhượng của V-League sẽ đồng hành với nhiều giải đấu trên thế giới hơn. Từ đây, các CLB V-League được lợi cả hai mặt: Mua được các cầu thủ chất lượng, cũng như xuất được cầu thủ đến các giải lớn.
Tổng Giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc cho biết, điều này mang lại một số thuận lợi như tối ưu hóa lịch thi đấu các giải, đồng bộ thị trường chuyển nhượng cầu thủ giữa châu Á và châu Âu, giúp các CLB thành viên của AFC tuyển dụng cầu thủ và HLV có chất lượng đồng thời mở đường cho cầu thủ châu Á ra thế giới.
Cơ hội tốt kiếm ngoại binh chất lượng
Với việc thay đổi thời gian khởi tranh V-League 2023 - 2024, thời gian chuyển nhượng của các đội bóng cũng có sự thay đổi lớn. Cụ thể, đăng ký chuyển nhượng V-League 2023-2024 sẽ diễn ra hai giai đoạn (1/9 - 4/11/2023 và 25/2 - 23/3/2024).
Theo nhận định của nhiều nhà môi giới ngoại binh, đây là cơ hội để nhiều cầu thủ nước ngoài có chất lượng cập bến V-League mùa tới. Với nhiều CLB, việc chiêu mộ ngoại binh luôn là một phần quan trọng trên thị trường chuyển nhượng và khoảng thời gian chuyển nhượng như VFF thông báo là hợp lý trên nhiều góc độ.
Như thành một thông lệ của V-League, các đội bóng đều sống bằng “hơi thở” của các ngoại binh. Có chuyên môn giỏi, thể lực tốt và thể hình lý tưởng, đó những ưu điểm giúp cho các ngoại binh luôn là bảo bối, là nơi để người hâm mộ đặt nhiều hy vọng gánh vác những trọng trách quan trọng của đội nhà. Những mùa giải gần đây, nhiều CLB đau đầu kiếm tìm ngoại binh chất lượng. Vấn đề khiến các đội bóng không thể tìm được ngoại binh tốt dù đã mất khá nhiều công sức là do chất lượng cầu thủ đến thử việc không đảm bảo. Số ít tạo ấn tượng về chuyên môn lại hét giá quá cao hoặc gặp vấn đề về sức khỏe. Nguồn “cung” từ bên ngoài ít, vì thế các đội bóng đành tìm kiếm nguồn bổ sung lực lượng từ các đội bóng khác theo kiểu “cũ người mới ta”. Các ngoại binh này đều đã được kiểm chứng chất lượng trong ít nhất 1 mùa giải nên sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với đội bóng mới cũng như thích nghi với môi trường thi đấu ở V-League. Cứ mỗi mùa giải trôi qua, các CLB tại V-League lại sốt sắng tìm kiếm những ngoại binh mới để bổ sung vào lực lượng cầu thủ. Có thể thấy sự lựa chọn các chân sút ngoại quan trọng như thế nào đến thành bại của cả đội bóng.
Với lịch chuyển nhượng tới đây sẽ tương đồng với kỳ chuyển nhượng quốc tế nên nhiều CLB sẽ thay vì các ngoại binh vốn là lão tướng như những kỳ chuyển nhượng trước đây có thể tìm kiếm ngoại bình có chất lượng phù hợp với nhu cầu, điều kiện của mình.
“Giai đoạn đăng ký chuyển nhượng diễn ra ở mốc thời gian thuận lợi cho các nhà môi giới như chúng tôi. Cụ thể, giai đoạn chuyển nhượng thứ nhất (1/9 - 4/11/2023) có mốc thời gian nối tiếp với các kỳ chuyển nhượng ở châu Âu như: Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Điều đó tạo cơ hội rất lớn để các nhà môi giới có thể đưa những cầu thủ có chất lượng cao tại châu Âu đến V-League. Bởi, sau khi kỳ chuyển nhượng tại châu Âu khép lại, những cầu thủ kém may mắn hoặc vì một lý do nào đó chưa thể tìm được công việc ở châu Âu có thể kết nối với các kênh thông tin ở Đông Nam Á. Từ đó, V-League có thể nuôi hy vọng chiêu mộ được cầu thủ có năng lực.
Có thể, những cầu thủ này chưa đáp ứng được yêu cầu lớn tại châu Âu, nhưng tôi tin rằng, họ thuộc diện có trình độ đối với V-League hay Đông Nam Á”, ông Nguyễn Minh Châu, một nhà môi giới cầu thủ ngoại có thâm niên ở V-League chia sẻ.
Với lịch thi đấu và lịch chuyển nhượng sẽ giống như châu Âu từ mùa giải tới, V-League 2023-2024 hứa hẹn sẽ thu hút những cầu thủ nước ngoài có chất lượng và khát vọng, qua đó nâng tầm cạnh tranh cho giải đấu. Cùng với đó, công nghệ VAR cũng sẽ được áp dụng chính thức kể từ mùa giải 2023-2024 nhằm nâng cao chất lượng công tác trọng tài, đem tới sự chính xác hơn cho các trận đấu.