Vùng đất cách mạng Dur Kmăl (tỉnh Đắk Lắk) đang đổi thay từng ngày
Địa bàn xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, (tỉnh Đắk Lắk) là khu căn cứ cách mạng quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm tháng chiến tranh, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã một lòng theo Đảng, Bác Hồ, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội chủ lực tạo nên nhiều trận thắng quan trọng. Hòa bình lập lại, Đảng ủy, UBND, Mặt trận các tổ chức đoàn thể cùng nhân dân trên địa bàn đã và đang dốc sức xây dựng quê hương giàu mạnh, tươi đẹp hơn.
Đổi thay trên vùng đất cách mạng
Về địa bàn xã Dur Kmăl trong những ngày thu Cách mạng Tháng 8 lịch sử, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi chứng kiến sự đổi thay đáng kinh ngạc của một vùng đất từng là căn cứ cách mạng, nhiều lần bị kẻ địch tấn công, truy quét, nay đã thay da đổi thịt.
Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, nhiều tuyến đường bê tông thẳng tắp; nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng phục vụ bà con nông dân sản xuất. Các hộ dân trong xã đều có điện thắp sáng, trẻ em đến tuổi đều được đến trường, đời sống của người dân đã được ấm no…
Bà Ma Thị Hiến, người dân Buôn Krông, phấn khởi chia sẻ: nếu như trước đây những tuyến đường liên xã đi lại lầy lội, mỗi lần thu hoạch mùa màng bà con phải dùng xe lôi, xe kéo để vận chuyển nông sản ra ngoài, chi phí rất tốn kém, hiệu quả sản xuất lại không cao, thì nay thay vào đó là những con đường bê tông thẳng tắp chạy dài từ khu dân cư ra tận cánh đồng phục vụ bà con đi lại sản xuất thuận tiện hơn. Đường xá đi lại dễ dàng, bà con cũng siêng năng ra đồng chăm sóc cây trồng. Nhờ đó bà con sản xuất liên tục được mùa, được giá.
“Đặc biệt là khi có ông Trần Quốc Toàn về làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl thì bộ mặt nông thôn mới của xã ngày một nâng cao. Ông Toàn đã biết tranh thủ, huy động được nhiều nguồn vốn về sửa chữa đê bao; làm đường giao thông nông thôn, xây dựng đường giao thông nội đồng, xây dựng kênh mương phục vụ tưới tiêu cho nhân dân sản xuất; làm đường liên thôn, liên xã; sửa chữa trụ sở UBND xã…Chưa kể nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật giúp dân xóa đói giảm nghèo, có người lãnh đạo như vậy, bà con chúng tôi cũng ưng cái bụng lắm”, bà Ma Thị Hiến khen ngợi.
Ông Trần Quốc Toàn – Bí thư Đảng ủy xã Dur Kmăl chia sẻ: “Để phát triển kinh tế địa phương, cải thiện cuộc sống cho người dân, giúp họ thoát nghèo, địa phương luôn đặt mục tiêu cải thiện hệ thống đường giao thông. Đường nông thôn phải được bê tông hóa, cứng hóa. Trong những năm qua, địa phương đã làm được 1,905 km đường bê tông xi măng. Các công trình thủy lợi thường xuyên được đầu tư nâng cấp, đảm bảo năng lực tưới cho 95% diện tích cây trồng có nhu cầu. Mạng lưới điện được mở rộng với tỷ lệ hộ được dùng điện đạt 100% đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo được triển khai tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong nhiệm kỳ qua, xã đã huy động Quỹ “Vì người nghèo” hơn 180 triệu đồng, giúp nhiều trường hợp vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống và tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã là 5,86%, đến đầu năm 2023 là 7,14%.
Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm, như giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Thông qua các hình thức hỗ trợ vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội, vốn vay ủy thác của các đoàn thể cho nhân dân vay với tổng kinh phí hơn 35,93 tỉ đồng đồng, số hộ được vay 928 hộ, đã tạo điều kiện giải quyết lao động có việc làm ổn định góp phần ổn định nâng cao mức sống ở một bộ phận nông dân. Ngoài ra số lao động đi lao động ở các tỉnh trong nước tăng cao hơn 500 người”.
Hiện nay, xã Dur Kmăl đang tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, xã tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Triển khái các mô hình phát triển kinh tế giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo.
Song song với đó, lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng cũng được cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng. Từ các nguồn hỗ trợ của cấp trên, ngân sách địa phương và nguồn đóng góp của nhân dân, 3 năm qua, các công trình trọng điểm của xã được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển.
Trong đó, việc huy động vốn đầu tư trong toàn xã hội đạt hơn 20,84 tỉ đồng, đây là con số rất đáng khích lệ trong bối cảnh địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn xã đã đạt được 12/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, gồm tiêu chí: quy hoạch; giao thông; thuỷ lợi và phòng chống thiên tai; tiêu chí điện; trường học; thông tin và truyền thông; nhà ở dân cư; thu nhập; lao động; giáo dục và đào tạo; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật và quốc phòng và an ninh.
Dur Kmăl phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024
Ông Trần Quốc Toàn cho biết: “Dù đã gặt hái được nhiều thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong những năm qua nhưng Đảng ủy xã tuyệt đối không có tâm lý tự mãn, hài lòng với thành quả đạt được. Đảng ủy xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội làm tiền đề để phát triển; phát huy nội lực, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với tăng năng suất lao động và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; quốc phòng an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị vững mạnh; xây dựng xã Dur Kmăl đạt xã nông thôn mới vào năm 2024".
Ông Toàn cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các chương trình trọng điểm của địa phương, làm đến đâu chắc đến đó. Tập trung đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng; đặc biệt là xây dựng cơ bản, giao thông thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa. Trong đó, duy trì và phát triển các ngành nghề sẵn có của địa phương, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của người dân.
Chỉ đạo quản lý chặt chẽ các nguồn thu đảm bảo thu đúng, thu đủ không để sót thu; nâng cao hiệu quả công tác tài chính ngân sách. Sử dụng nguồn chi đúng luật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hoạt động của các ngành, các lĩnh vực.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả kinh tế cao và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; trong đó, chú trọng các hình thức sản xuất mang tính hợp tác; gắn nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân ngày càng được nâng cao.
Đưa nông thôn phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế của xã theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. UBND xã tiếp tục duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, dịch vụ thương mại; quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng tốc độ phát triển của xã hội”.