Xuất khẩu rau quả: Nhiều tiềm năng để bứt phá
Theo ước tính sơ bộ của ngành Hải quan, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD, vượt 1,25 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và cao hơn cả con số 3,3 tỷ USD của cả năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng này nhiều người tin tưởng cả năm 2023 ngành rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử: 5 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các Nghị định thư mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc trong năm 2022 đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay.
Nhiều loại trái cây “xuất ngoại”
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả khả quan nhờ thị trường Trung Quốc tăng mua. Ngoài ra, năm nay ảnh hưởng của hạn hán, mưa lũ khiến nhiều quốc gia tăng nhập rau quả Việt Nam.
“Tháng 9, khi đa số nguồn cung ở các nước Đông Nam Á không còn, giá sầu riêng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Dự kiến xuất khẩu sầu riêng cả năm sẽ cán mốc 1,5 tỷ USD. Sắp tới, mít của Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc khi nhu cầu quốc gia này gia tăng” - ông Nguyên nói.
Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt kéo dài, từ tháng 2 đến tháng 6 thu hoạch ở các tỉnh miền Tây; tháng 6 đến tháng 10 thu hoạch miền Đông và Tây Nguyên nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng Thái Lan, Philippines.
Một mặt hàng nữa không thể không nhắc tới là trái dừa sọ của Việt Nam được cấp “visa” sang Mỹ. Ngay khi có thông tin, giá dừa tươi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng tới 50%, từ mức 15.000 - 20.000 đồng/chục quả, thì hiện nay đã tăng lên 60.000 - 65.000 đồng/chục quả.
Hiện, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại cũng có hơn 90 DN xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó, có 42 DN xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu. Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.
Nhu cầu tăng cao
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 có nhiều dư địa tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường. Trong quý III và quý IV/2023, cả nước có khoảng gần 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại cần được tiêu thụ. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhận định từ giới chuyên gia cho biết, tiềm năng cũng như cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trái cây của nước ta còn khá lớn. Bởi hiện nay nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản là rất lớn, nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu chiếm một phần nhỏ so với tổng nhu cầu, do đó còn nhiều dư địa để các DN khai thác. Cụ thể, Mỹ có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả bình quân khoảng 46 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018- 2022, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,6% tổng trị giá nhập khẩu.
Tương tự thị trường Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình đạt 3,9 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018- 2022, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 4,3% tổng trị giá nhập khẩu. Thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình đạt 10 tỷ USD/năm, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,6% tổng trị giá nhập khẩu…
Riêng đối với quả xoài, dư địa tại thị trường Mỹ hiện rất lớn. Việt Nam là thị trường cung cấp xoài và sản phẩm từ xoài lớn thứ 12 cho Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng cả lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng xoài nhập khẩu vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023.
Trong những tháng đầu năm, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 27 thị trường chủ yếu, có 15 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 3 thị trường đạt trên 100 triệu USD (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc).
Bắt tín hiệu thị trường
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức kỷ lục hơn 5 tỷ USD. Đây là một trong những mặt hàng có sự bứt phá lớn về xuất khẩu từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, việc sản xuất, quy hoạch và tiêu thụ trái cây ở nhiều địa phương hiện nay vẫn còn hạn chế, khiến ngành hàng này chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh. Đổi mới tư duy sản xuất và tiêu thụ trái cây cần sớm được thực hiện để dần hiện thực hóa giấc mơ kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai. Theo đó sản xuất theo thị trường là yêu cầu đặt ra đối với hầu hết nông sản của Việt Nam hiện nay để bảo đảm tiêu thụ ổn định, bền vững, nhất là đối với các sản phẩm có tính mùa vụ cao như trái cây.
Khuyến nghị một số giải pháp nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho rằng: các địa phương, DN xuất khẩu cần xây dựng thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu theo hình thức chính ngạch để đảm bảo về chất lượng hàng hóa cũng như tránh những rủi ro không đáng có. Trong đó đẩy mạnh mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, cần tập trung phát triển bền vững là tăng tỷ trọng rau quả chế biến, điều này không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi.
Để việc tiêu thụ trái cây đạt hiệu quả cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu, thì 2 yếu tố quan trọng nhất chính là công tác quy hoạch diện tích cây trồng và tiếp thị sản phẩm. Điều này sẽ bảo đảm sản lượng, chất lượng trái cây sản xuất ra đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, thu hút khách hàng tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang rà soát lại quy hoạch, đồng thời tìm tòi, thử nghiệm nhiều cách tiếp cận mới với thị trường, nhằm đưa cây ăn quả trở thành ngành kinh tế chủ lực trong thời gian tới.
Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, để thực hiện quản lý nhà nước trong việc định hướng phát triển cây ăn quả, nhất là các loại cây ăn quả chủ lực cũng như xây dựng kế hoạch, chỉ đạo sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường, Cục Trồng trọt đã tham mưu Bộ NN&PTNT có Quyết định số 4085 ngày 27/10/2022 phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Trong đó, định hướng trồng 14 loại cây ăn quả chủ lực là: thanh long, xoài, chuối, vải, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, mít, chanh leo, bơ, na...
Theo ông Cường, việc bổ sung một số cây trồng chủ lực, rất có ý nghĩa, góp phần tăng tính cạnh tranh cao đối với thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Khi có quy hoạch rồi thì cũng cần có chế tài mạnh hơn để người dân và chính quyền địa phương thực hiện sản xuất theo quy hoạch.
“Thực tế, những trái cây thời gian qua tiêu thụ khó khăn, giá rẻ là vì diện tích trồng vượt so với đề án như cây cam, xoài hoặc phát triển nóng, tự phát kéo theo quy trình sản xuất chưa bảo đảm, liên kết tiêu thụ hạn chế. Ví dụ cây cam chủ yếu phục vụ ăn tươi và phần lớn tiêu thụ ở thị trường trong nước nên khi trồng quá nhiều chắc chắn dẫn đến dư thừa sản phẩm” - ông Cường nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để siết chặt công tác quản lý để tới đây, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng phải đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã. Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, một nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Bộ Tư pháp đang hướng dẫn Bộ NN&PTNT triển khai xây dựng và sớm trình Chính phủ dự thảo 2 nghị định này.