An toàn bảo mật cho thanh toán điện tử
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc cao cấp An ninh thông tin Ngân hàng Techcombank, chia sẻ: an toàn bảo mật là vấn đề mà ngân hàng trăn trở nhất.
Theo ông Tuấn, bên cạnh truyền thông cho người dùng, ngân hàng cũng luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp về mặt công nghệ để phòng, chống gian lận. Tuy nhiên vấn nạn lừa đảo vẫn luôn tồn tại. Khi chúng ta có hình thức mới, kẻ gian sẽ tìm cách để thực hiện hành vi gian lận. Vì thế, ngân hàng cũng sẽ phải liên tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho khách hàng, luôn đồng hành với khách hàng trong việc giải quyết các bài toán về bảo mật. Khi nhận thức của khách hàng được nâng cao, kể cả hình thức lừa đảo mới cũng rất khó để thực hiện trót lọt.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Rất nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%. Điều đó giúp các TCTD giảm thiểu nhiều chi phí so với thực hiện các giao dịch truyền thống trước đây. Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức thanh toán số đều hướng tới mục tiêu Quyết định 1813 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025). Trong đó, làm sao để đến năm 2025, Việt Nam đạt khoảng 80% người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản ngân hàng. Đây là một trong những mục tiêu Ngân hàng Nhà nước tích cực hướng tới.
Số liệu cho thấy, giai đoạn 2020-2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500 – 1.000.000 giao dịch/ngày đã là con số mơ ước của các TCTD, nhưng đến nay lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, chuyển đổi số có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Tuy nhiên theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong bất cứ lĩnh vực nào, kẻ gian luôn xuất hiện. Vì thế khách hàng cần tỉnh táo, cảnh giác, không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì cho bên thứ 3, cẩn trọng khi tham gia không gian mạng để hạn chế tối đa rủi ro, mất tiền cho kẻ gian.
Theo bộ phận an ninh thông tin Techcombank, có 4 nhóm khó khăn, thách thức chính đối với an toàn, an ninh trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành ngân hàng. Đó là hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn. Tội phạm gia tăng ở mức độ cao so với nhiều năm. Chưa kể thiếu tương thích giữa các hạ tầng.
“Có thể nói, hiện nay, ngân hàng sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an (ngoại trừ Đề án 06 đang bước đầu triển khai), nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng, không khai thác được. Nếu như các cơ sở hạ tầng dữ liệu này tương thích và được tích hợp, kết nối thì trong trường hợp khách hàng mở tài khoản, đăng ký số điện thoại, sử dụng Mobile Banking thì ngân hàng có thể kiểm tra được số điện thoại chính chủ và người thực hiện có chính xác hay không” - đại diện Techcombank cho biết.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đây sẽ là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có chiến lược, bước đi phù hợp. Chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện (thanh toán, cho vay, bảo lãnh, lưu trữ hồ sơ, quản trị….), muốn như vậy thì hành lang pháp lý cần đầy đủ.
Cảnh báo từ phía ngân hàng cho rằng, tâm lý, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân ở nhiều nơi vẫn phổ biến. Kỹ năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số của người dân còn nhiều hạn chế đã tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo, gian lận. Kẻ gian thông qua sự thiếu hiểu biết, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng số chưa tốt của khách hàng để khai thác và qua đó thực hiện các hành vi gian lận.