Để bạo lực học đường không còn đất sống
Trước thềm năm học mới 2023-2024, bạo lực học đường tiếp tục là một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến, lo lắng.
Giữa tháng 8 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip được cho là các học sinh nữ của một trường THCS tại xã Lam Sơn, huyện Tam Nông (Phú Thọ) xô xát, đánh nhau. Theo nội dung đoạn clip, hai nữ sinh dùng mũ bảo hiểm, dép đánh liên tiếp một nữ sinh khác. Dù nữ sinh bị đánh đã nằm bất động nhưng vẫn bị hai nữ sinh không ngừng tấn công. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn của nhóm học sinh trên mạng xã hội. Các học sinh đã hẹn gặp mặt rồi xô xát, đánh nhau, sau đó một bạn quay clip, đăng lên mạng xã hội.
Trước đó, năm học 2022-2023 cũng ghi nhận nhiều vụ bạo lực học đường mang tính chất nghiêm trọng không chỉ tổn thương về mặt thể xác, tinh thần của nạn nhân mà thậm chí còn dẫn đến hậu quả thương tâm… Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn lại năm học 2022-2023 cũng nêu lên thực trạng bạo lực học đường còn xảy ra ở nhiều nơi, việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh để tự bảo vệ trước các vấn đề về bạo lực học đường chưa được đầy đủ, toàn diện. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện chưa thực sự hiệu quả.
Chị Trần Thu Hà - tác giả của nhiều đầu sách nuôi dạy con như: “Con nghĩ đi, Mẹ không biết”, “Buông tay để con bay”… cho rằng, ngày nay bạo lực học đường không chỉ là những tổn thương thể chất mà đáng sợ hơn là bạo lực ngầm, bạo lực "lạnh". Không có vũ khí, không có vết bầm tím thân thể, không có video đánh đập… nhưng nạn nhân của việc bắt nạt này lại đối mặt với sự đau khổ, cô đơn... thậm chí có suy nghĩ về những hành động dại dột.
“Khi trẻ bị bạo lực học đường, phụ huynh hãy lắng nghe, công nhận, tôn trọng nỗi đau của con và cùng tìm cách giải quyết thay vì nhịn hay xuề xòa. Cần giải quyết triệt để” – chị Hà chia sẻ và cho rằng ngay từ bây giờ, để phòng tránh bạo lực học đường, cần dạy con những điều như luyện tập thể thao, học võ, học 1 môn năng khiếu nào đó như hát, múa,... để con tự tin hơn bởi một người tự tin ít khi thu hút kẻ bắt nạt. Dạy con, rèn cho con kỹ năng giao tiếp, sự bình tĩnh, kết nối với bạn bè và tìm đồng minh mạnh, có hậu phương vững chãi, chẳng hạn mẹ luôn ủng hộ con, tin con…
Về phía nhà trường, bà Nguyễn Thị Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Mai Động (Hà Nội) cho biết, nhận thấy những hạn chế của học sinh trong kỹ năng về ứng xử giao tiếp hàng ngày cũng như các kỹ năng khác, ban giám hiệu cùng các giáo viên đã quyết định đưa hoạt động này vào thành tiết giảng dạy chính thức trong hè, tích hợp trong các môn học và được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông. Cụ thể, thông qua các tiết học nhập vai gợi mở từ lý thuyết tới thực hành, học sinh được rèn luyện các kỹ năng cần thiết như kỹ năng kiên định và từ chối; ứng xử khi tiếp xúc với người lạ; giao tiếp với bạn bè, thầy, cô giáo, gia đình, xã hội…; trình bày suy nghĩ, ý tưởng; phòng tránh tai nạn, thương tích...
Khi học sinh biết cách làm chủ cảm xúc của bản thân, có kỹ năng giao tiếp ứng xử phù hợp với mọi người, trong từng trường hợp khác nhau sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bạo lực học đường vốn xuất phát ban đầu có thể từ những mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết triệt để dẫn đến biến tướng thành mối họa lớn.
Theo bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, quan trọng nhất là giáo viên chủ nhiệm phải làm tốt công tác tư vấn học đường, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tâm lý của học sinh. Chủ động trao đổi thông tin với gia đình và chính quyền địa phương để giáo dục học sinh từ sớm, tránh để các em có hành động tiêu cực, xử lý nghiêm học sinh đánh nhau để làm gương. Các bậc cha mẹ hãy là người bạn đồng hành cùng con em mình để thấu hiểu, xử lý sớm vấn đề tiêu cực.