Nút thắt cần tháo gỡ
Tại diễn đàn “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động”, với sự tham dự của 500 đoàn viên đại diện cho khoảng 50 triệu người lao động cả nước, ý kiến của người lao động tập trung vào việc doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và việc rút bảo hiểm một lần. Cùng đó, vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội rất nóng.
Ở bài viết này, xin được tập trung vào vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, vì đó chính là khát khao, là mơ ước của công nhân, người lao động. Đại diện người lao động cho biết, gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động mua nhà với lãi suất 4,8% thì gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn (sau đó lãi suất thả nổi theo thời giá) đã gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay.
Vậy, làm sao để công nhân, người lao động vay được tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội? Đó là câu hỏi khó vì chính các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cũng lúng túng khi vừa phải bảo đảm nghĩa vụ xã hội nhưng dù gì thì lợi nhuận vẫn là ưu tiên.
Ngày 25/8 mới đây, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến được cho là “đột phá” khi đề nghị giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê (tại văn bản số 7177, ngày 3/8/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN). Ý kiến ủng hộ cho rằng nếu vậy thì cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để TLĐLĐVN được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở loại này. Ở chiều ngược lại cho rằng đề xuất này chưa đủ “độ chín”, còn nhiều vướng mắc theo luật hiện hành. Một số ý kiến còn cho rằng với nhiều nội dung phức tạp nên TLĐLĐVN không nên "ôm" việc này. Việc đầu tư nhà ở xã hội nên giao cho cơ quan hành chính, như UBND cấp tỉnh.
Nói vậy để thấy nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động đã rất cấp bách và việc TLĐLĐVN “xung phong ôm việc” là đáng được hoan nghênh, nhất là trong bối cảnh nhiều nơi né việc, tránh việc vì sợ sai, sợ kỷ luật. Tuy nhiên, để thực hiện là hết sức khó khăn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính tới đầu tháng 8 năm nay, sau 4 tháng triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (theo Nghị quyết 33 của Chính phủ) thì mới có khoảng 95 tỉ đồng được giải ngân và 950 tỉ đồng cam kết cho vay. Tới thời điểm đó, chỉ có 9 tỉnh công bố 26 dự án với tổng nhu cầu vay vốn khoảng 12.800 tỉ đồng, có nghĩa là tương đương với 1/10 nguồn vốn hỗ trợ.
Như vậy, tiến độ xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân quá chậm. Nguyên nhân trước tiên lại thuộc về đối tượng được ưu tiên hỗ trợ khi mà ước tính với lãi suất cho vay bình quân là 8%/năm và vay trong vòng 15 năm, người mua có thể phải trả ngân hàng khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Điều này có nghĩa thu nhập của họ phải ở mức trên 15 triệu đồng/tháng mới đảm bảo vừa trả chi phí vay ngân hàng vừa trang trải cuộc sống. Ở mức ấy rất ít người lao động có được.
Còn về phía doanh nghiệp xây dựng, cũng không mặn mà với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng khi so sánh với gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng triển khai 10 năm trước (năm 2013), khi mà gói 30.000 tỉ đồng được cho với lãi suất cố định chỉ 5%/năm; trong khi đó, gói 120.000 tỉ đồng chỉ thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay thông thường.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, dòng vốn tín dụng 120.000 tỉ đồng đã sẵn sàng nhưng làm sao để hấp dẫn doanh nghiệp xây nhà lẫn người lao động hưởng ứng vẫn là một bài toán khó. Đó là chưa kể vướng mắc từ UBND các tỉnh khi chậm tiến độ phê duyệt các dự án, cấp phép dự án và công khai quy hoạch, công bố quỹ đất sạch để các chủ đầu tư quan tâm nắm được thông tin chuẩn bị nguồn lực để triển khai.
Như vậy, nếu như có thể nói 4 yếu tố để triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì ít nhiều đều vướng. Thứ nhất, ngân hàng không hạ lãi suất xuống thấp (theo tính toán mức hợp lý là 4,5%/năm). Thứ hai, người mua nhà sợ không đủ tiền trả lãi. Thứ ba, doanh nghiệp xây dựng ngại vay ngân hàng vì lãi suất cao. Thứ tư, địa phương không mặn mà nên khó có quỹ đất xây dựng.
Đó là 4 nút thắt cần tập trung tháo gỡ để công nhân, người lao động “an cư lạc nghiệp”. Mà 3 trong 4 nút thắt ấy chính là tiền.