Nghiêm cấm hành vi thổi giá, làm giá bất động sản

H.Vũ 30/08/2023 06:35

Ngày 29/8, tiếp tục Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu cho ý kiến về dự án: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).

Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Ảnh: Quang Vinh.

Thu cọc nhà ở đang rất lộn xộn

Vấn đề đặt cọc nhà ở hình thành trong tương lai được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến nhất trí về sự cần thiết có quy định về đặt cọc nhà ở hình thành trong tương lai. Dự thảo luật đang đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1 quy định: “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan Nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng”.

Phương án 2 quy định: “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này”.

Về vấn đề này, ĐB Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đề nghị, quy định bên bán, bên mua cho thuê không được mua quá 90% giá trị hợp đồng kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai. Quy định này nhằm tăng trách nhiệm của bên bán trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cho bên mua, đảm bảo quyền lợi của bên thế yếu.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu quan điểm, nếu không có quy định về đặt cọc thì sẽ phát sinh nhiều rắc rối. Thực tế hiện nay, việc đặt cọc mua nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn vì thiếu những quy định liên quan. Dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có những dự án huy động tiền cọc 30-50% tổng giá trị của công trình. Theo bà Nga, nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nên cần phải có quy định rõ ràng về tiền đặt cọc để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Nhiễu loạn thị trường vì thổi giá, làm giá

ĐB Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) ủng hộ việc quy định 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như dự thảo luật. Tuy nhiên bà Thanh đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đó là thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản (BĐS) và quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường BĐS.

Một trong những vấn đề lưu ý khác là trong dự thảo quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, cá nhân hành nghề môi giới BĐS. Theo đó, người làm nghề này phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; phải hành nghề trong một sàn giao dịch BĐS hoặc tổ chức môi giới. Về vấn đề này, bà Thanh cho rằng, đây là quy định cần thiết vì thực tiễn trong thời gian qua, không ít người làm môi giới BĐS hoạt động tự do, không có chứng chỉ chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh. Nhiều vụ việc có tình trạng câu kết làm giá, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường. Tuy nhiên, quy định trên mới điều chỉnh với những người hoạt động trên sàn, chưa đề cập tới những người làm tự do.

Từ đó, để quản lý tốt các đối tượng này, bà Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý cá nhân hoạt động môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và không làm việc trong một tổ chức sàn kinh doanh bất động sản.

Về trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư, bà Thanh đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư trong việc đảm bảo minh bạch thông tin để khách hàng chủ động, an toàn trong việc tìm, mua bất động sản.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ làm chủ đầu tư nhà ở xã hội?

Cùng ngày, các ĐB cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo ĐB Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang), việc quy định Tổng Liên đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.

Theo ông Tuấn, một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở, tuy nhiên, chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu này. “Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe. Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc” - ông Tuấn nói và nhấn mạnh, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho lĩnh vực này, không nên bỏ qua một chủ thể như TLĐLĐ Việt Nam, và điều đó cũng giúp TLĐLĐ Việt Nam hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, sứ mệnh của mình.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho rằng, trong thực tế, đây là vấn đề mà TLĐLĐ Việt Nam đã được chủ trương thực hiện thí điểm trong thời gian qua. Do đó nên tổng kết thí điểm và đưa vào dự thảo luật.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) lại cho rằng, không nên giao cho TLĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê. “TLĐLĐ Việt Nam là một tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh. Do đó TLĐLĐ Việt Nam có nhiều cách khác nhau để chăm lo cho đời sống của công nhân, còn việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác” - ông Hòa lý giải.

H.Vũ