Đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại thị trường trọng điểm
Người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Nhật Bản đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua và là nước có số lao động lớn nhất trong các quốc gia phái cử làm việc theo các chương trình của Bộ LĐTBXH.
Theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), những năm gần đây, số lao động sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là kết quả rất tích cực, thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển khá mạnh.
“Số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản, từ 10.200 người năm 2013 lên 82.700 người năm 2019, tăng hơn 8 lần; năm 2022 có gần 68.000 thực tập sinh; 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 35.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản” - ông Hương cho biết.
Với Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, bắt đầu được triển khai từ năm 2012. Đến nay, Việt Nam đã đưa được 1.697 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản. Đối với chương trình lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên, hiện nay có khoảng 65.000 người Việt Nam đang làm việc trong các DN của Nhật Bản.
Một khảo sát mới nhất của Nhật Bản cho thấy, Việt Nam là quốc gia có khả năng mở rộng, cũng như được đánh giá cao nhất trên thế giới đối với các DN Nhật Bản có mong muốn đầu tư vào Việt Nam...
Mặc dù vậy, theo ông Hương, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phái cử, tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Trước hết là chế độ thực tập kỹ năng bắt đầu từ năm 1992 đến nay đã bộc lộ một số bất cập, như thực tập sinh chỉ nhận mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp như lao động Nhật Bản. Nhiều trường hợp điều kiện lao động không được đảm bảo, thu nhập chưa cao, thực tập sinh không được chuyển nơi làm việc dù công việc không phù hợp, chủ sử dụng đối xử không tốt...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số DN phái cử chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, phái cử và quản lý lao động; một số nghiệp đoàn Nhật Bản không thực hiện đúng quy định pháp luật hai nước, như yêu cầu doanh nghiệp phái cử thết đãi quá mức, trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận lao động..., từ đó tạo ra gánh nặng chi phí cho lao động.
Trước những hạn chế trong chính sách đối với thực tập sinh, tại hội thảo về hợp tác lao động, việc làm và an sinh xã hội giữa Việt Nam và Nhật Bản mới đây, đánh giá việc triển khai các chương trình hợp tác giữa hai nước về lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, thông qua Chương trình hợp tác giữa Bộ LĐTBXH với Tổ chức phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã có hàng nghìn thanh niên Việt Nam trong đó nhiều người thuộc diện đối tượng chính sách, người nghèo, dân tộc thiểu số đã đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản theo chương trình này... Tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc cần khắc phục” - ông Thanh nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lao động Phúc lợi Nhật Bản Hanyuda Takashi cũng khẳng định, Chính phủ nước này đang xem xét lại hệ thống thực tập kỹ năng và kỹ năng đặc định.
“Việc rà soát, điều chỉnh lần này không phải là bãi bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng, mà định hướng sẽ vẫn tiếp tục duy trì chức năng đào tạo nhân lực, sử dụng hỗ trợ và bảo vệ thông qua các nghiệp đoàn quản lý của hệ thống hiện nay. Mong muốn là người lao động Việt Nam sau khi sang Nhật có thể an tâm sinh sống và làm việc lâu dài” - ông Hanyuda Takashi nói.
Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Nhật Bản cũng đã thảo luận với Việt Nam để có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác. “Kỳ vọng của DN đối với việc ký kết Hiệp định Bảo hiểm xã hội với Việt Nam rất cao, chúng tôi hy vọng hai bên có thể tiếp tục thảo luận để nhanh chóng ký kết Hiệp định này” - ông Takashi nói thêm.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động với tổng số tiền 200 triệu đồng. Theo đó, Công ty cổ phần Cung ứng xuất khẩu lao động công thương Hà Nội bị xử phạt mức cao nhất trong các doanh nghiệp vi phạm với 112,5 triệu đồng; Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Tín Phát bị 60 triệu đồng do đã chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc (thị thực E7) khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ LĐTBXH; Công ty cổ phần Tiến bộ Infinity Việt Nam bị xử phạt 27,5 triệu đồng do đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật...