Giải pháp nào khắc phục tình trạng thiếu giáo viên?
Trước thềm năm học mới, câu chuyện thiếu giáo viên tiếp tục được dư luận quan tâm. Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức theo quy định của Bộ GDĐT. Số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, để xảy ra tình trạng giáo viên xin nghỉ việc là chuyện “rất đáng tiếc”. “Đã đến lúc cần nghiêm túc xem lại để làm sao giáo viên có tiền lương đủ sống và cần ưu tiên trong việc chọn học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm” - GS Lân Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc cho rằng, việc giáo viên nghỉ việc là một vấn đề tất yếu trong bối cảnh hiện tại. Nguyên nhân với hơn 1.000.000 giáo viên trên toàn quốc, việc thay đổi công việc là điều không thể tránh khỏi, giống như các ngành nghề khác.
Để khắc phục tình trạng này, vị chuyên gia này đề xuất 2 giải pháp cụ thể: Thứ nhất, giải quyết thoả đáng hai khía cạnh quan trọng là biên chế và tài chính. Việc giải quyết vấn đề này không chỉ dựa vào ngành giáo dục mà cần có sự liên ngành, phối hợp giữa các cơ quan để tạo ra một cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý đảm bảo các chỉ tiêu biên chế giáo viên có thể phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương. Việc cắt giảm biên chế khi tăng đột biến số lượng học sinh chẳng hạn sẽ gây ra sự thiếu hụt giáo viên.
Thứ hai, cần tạo môi trường làm việc hạnh phúc, động viên giáo viên theo đuổi sự nghiệp giáo dục. Không chỉ là tiền lương hay đãi ngộ, mà nên khuyến khích nhà trường tạo ra nơi làm việc với văn hoá tốt, dân chủ, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển cá nhân.
Bên cạnh đó, tận dụng chuyển đổi số để giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện cho giáo viên có thể tập trung vào công việc chuyên môn và mang lại hiệu quả tốt hơn. Từ đó kiến tạo ra môi trường không chỉ “mỗi ngày là một ngày vui” cho học sinh, mà thêm vào đó “mỗi ngày là một ngày giảng dạy vui và hạnh phúc” cho giáo viên.
Tại Hội nghị Giao ban Báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng TTXVN tổ chức sáng 29/8, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trong thời gian tới, Bộ GDĐT tập trung hướng tới củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, ổn định cuộc sống giáo viên.
Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Cụ thể, cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Bộ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế cho viên chức ngành Giáo dục; hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông như Thông tư quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; công văn hướng dẫn, chỉ đạo địa phương về việc dồn dịch điểm trường, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo môn học mới và ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn. Bên cạnh đó, tăng cường sự liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học.
Cung ứng đầy đủ sách giáo khoa cho năm học mới
Liên quan đến việc cung ứng sách giáo khoa (SGK) cho năm học mới, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, các nhà xuất bản (NXB) và tổ chức liên kết phát hành đã chủ động xây dựng kế hoạch in và đảm bảo việc cung ứng đầy đủ SGK đến học sinh và giáo viên trước thềm năm học 2023-2024, dù còn một số địa phương chậm muộn trong việc cung cấp thông tin nhu cầu số lượng các bộ SGK theo quy định.
Hiện trong số 9 tổ chức biên soạn và phát hành SGK, khoảng 72% thị phần thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam, khoảng 22% thị phần thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).
Đến ngày 27/8/2023, NXB Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch SGK các lớp 5, 9, 12 (theo Chương trình 2000); hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch SGK các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 (theo Chương trình 2018); hoàn thành in và nhập kho gần 5 triệu bản SGK lớp 4, 8, 11 mới phát sinh.
Cho đến nay, một số địa phương vẫn tiếp tục có những bổ sung nhỏ lẻ, NXB Giáo dục Việt Nam đang rất nỗ lực để in ấn và cung ứng đủ trước ngày khai giảng.
Đối với Công ty VEPIC, đến ngày 30/6/2023, đã in và nhập kho đầy đủ 100% sản lượng dự kiến phát hành đối với SGK lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 và 40% sản lượng dự kiến phát hành đối với SGK các lớp 4, 8 và 11. Hiện nay, SGK các lớp 4, lớp 8, lớp 11 đã đầy đủ để kịp thời phục vụ năm học 2023-2024.