Nguồn lực nội sinh
Phát biểu tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 28/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển.
Văn hóa là những gì tinh túy, tinh hoa, cốt lõi nhất của dân tộc, của xã hội, của mỗi người. Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946): "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển và "soi đường cho quốc dân đi".
Bày tỏ trân trọng những cống hiến, đóng góp của đội ngũ những người làm công tác văn hóa cả nước cùng những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng nói: “Chúng ta vui mừng, ghi nhận biết bao tấm gương cao đẹp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội với khát vọng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta còn nhiều trăn trở, băn khoăn trước những hành vi "phản văn hóa", đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục, với giá trị Chân - Thiện - Mỹ đang tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ”.
Trăn trở của người đứng đầu Chính phủ cũng là trăn trở của những người làm công tác văn hóa, của toàn xã hội khi mà đây đó vẫn còn những hành vi phản văn hóa, những ứng xử không đẹp, đi ngược thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến đau đáu đề nghị chấn hưng văn hóa dân tộc, nhất là khi những luồng văn hóa đến từ bên ngoài tác động mạnh mẽ, đặc biệt là với lớp trẻ trong thời đại công nghệ bùng nổ. Giao lưu văn hóa là tất yếu, nhưng cần một bộ lọc tinh tế trên nền tảng văn hóa được rèn giũa để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thay vì dễ dãi hấp thụ không chọn lọc, trở nên vong bản ngay chính trên quê hương mình.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet; chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Mạng xã hội đã trở thành nền tảng quan trọng trong xã hội, đem lại cơ hội cùng thách thức trong môi trường số hóa. Riêng trong lĩnh vực văn hóa điều đó cũng đặt ra những thách thức về đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, tác động trực tiếp cũng như độ thẩm thấu lâu dài.
Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ, gìn giữ, xây dựng, hội nhập và phát triển của văn hóa nước nhà bên cạnh thuận lợi là thách thức không nhỏ, khi mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống hun đúc hàng ngàn năm đứng trước nguy cơ mai một. Nguy hiểm hơn, trong một số trường hợp, chuẩn mực văn hóa - đạo đức tồn tại và được trao truyền qua biết bao thế hệ có nguy cơ bị thay thế bằng những chuẩn mực khác, thước đo khác. Lạ lùng hơn nữa là trong quá trình phát triển kinh tế, lại xuất hiện những cái gọi là văn hóa hết sức xa lạ. Đó là “văn hóa phong bì”, “văn hóa xin - cho”, được một số người đề cao như một giá trị tuyệt đối của đồng tiền, tạo ra những loại virus độc hại gặm nhấm, làm băng hoại đời sống xã hội.
Nhưng, văn hóa là dòng chảy ngầm vô cùng mãnh liệt. Văn hóa Việt Nam được bồi đắp từ trong biết bao biến thiên dữ dội của lịch sử không thể bị đánh đổi bằng những gì gọi là tân tiến, thời thượng, xa lạ với chuẩn mực giá trị Chân - Thiện - Mỹ vô giá có được nhờ mồ hôi nước mắt và máu của tổ tiên.
Chính vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa phù hợp với bối cảnh, tình hình và điều kiện thực tế Việt Nam để phát triển toàn diện văn hóa; để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là then chốt.
Riêng với đội ngũ những người làm công tác văn hóa, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục là nguồn cảm hứng, là động lực, lan tỏa mạnh mẽ từ đó nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, điểm tô thêm nét đẹp của văn hóa, truyền thống, tinh thần và khát vọng Việt Nam: một Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no.