Xây dựng lòng tin vào thực phẩm sạch
“Thực phẩm hữu cơ đang ngày càng phổ biến, thị phần áp đảo thị trường. Với nhu cầu bùng nổ như hiện nay, tại TP HCM, các cửa hàng mọc lên như nấm” - bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nói khi đọc những quảng cáo như vậy trên mạng nhưng rất nghi ngờ có phải như thế không?
Quảng cáo quá sự thật
Theo bà Hạnh, thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam đang phát triển. Việc này dễ hiểu vì tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng và tình trạng đủ ăn đã chuyển thành ăn sao để tốt cho sức khỏe. “Dù sức mua thực phẩm hữu cơ có tăng nhưng nhìn chung, ước lượng thị phần của sản phẩm này cũng chỉ chiếm chừng 10% thị trường thực phẩm” - bà Hạnh nói.
Thực tế đời sống và cả trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm đã tích cực chia sẻ những thông tin liên quan tới tình trạng thực phẩm chợ đội lốt rau VietGAP để vào một số hệ thống bán lẻ. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho rằng, tình trạng này diễn ra từ lâu, có điều chưa được đưa ra ánh sáng. Hiện nay, doanh nghiệp (DN), cơ sở nào cũng quảng cáo thực phẩm an toàn. Ngay cả lãnh đạo cơ quan quản lý của ngành cũng nói là hướng đến rau an toàn, thực phẩm an toàn. Như vậy, chứng tỏ thực phẩm của chúng ta vẫn chưa an toàn. “Chỉ có chưa minh bạch, chưa an toàn nên mới có chuyện quảng cáo như thế” - theo bà Minh.
Ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám đốc Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cơ sở chuyên cung cấp hàng nông sản có quy mô hàng đầu phía Nam cho biết, mỗi ngày, chợ tiếp nhận hàng ngàn tấn hàng các loại từ nhiều địa phương khác nhau thì làm sao lực lượng nhân sự kiểm soát được hết.
Theo ông Phương, khi các chuyến hàng vào chợ, lực lượng quản lý chỉ có thể kiểm tra đăng ký nguồn hàng, mã hàng, số điện thoại người cung cấp hàng… tất cả ghi vào để khi có cơ quan quản lý Nhà nước hỏi thì cung cấp thông tin để họ truy xuất ngược lại. Còn việc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, đóng gói, thông tin nhãn mác, bao bì trước khi đưa hàng lên xe là trách nhiệm của quản lý các địa phương nơi xuất xứ hàng, hoặc trách nhiệm ở các trạm kiểm dịch động, thực vật…
“Ngay cả việc test ngay dư lượng độc tố, nếu làm cho đúng cũng phải mất mấy ngày, mà đợi có kết quả thì có 2 hướng xảy ra: Hoặc sản phẩm đã hư hết, hoặc là hàng đã phân phối và người tiêu dùng đã ăn xong” - ông Phương nói.
Ưu tiên giải quyết đầu ra
Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 46/63 địa phương đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ, với hơn 17 nghìn nông dân tham gia. Đồng thời có 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, 60 DN tham gia xuất khẩu nông sản hữu cơ đến 180 thị trường quốc tế, kim ngạch 335 triệu USD/năm.
Vẫn theo bà Vũ Kim Hạnh, nhiều thách thức đang đặt ra cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm hữu cơ, trong đó trở ngại lớn nhất là về giá. Bà Hạnh chia sẻ, bà đã trực tiếp đi khảo sát các điểm bán thực phẩm hữu cơ, ghi nhận rồi chia lấy điểm trung bình thì cho ra kết quả giá thực phẩm hữu cơ cao hơn thực phẩm thường 6 lần. Hình thức của sản phẩm thường không mượt mà, phổng phao, bóng bẩy như các loại rau củ, trái cây có sử dụng chất kích thích hay chất bảo quản.
Khách hàng mua thực phẩm hữu cơ thường chọn mua ở cửa hàng hay siêu thị quen để tránh bị nhầm hàng giả. Vì vậy, việc duy trì cửa hàng với các thương hiệu riêng là rất cần thiết nhưng cũng hết sức tốn kém.
Hiện nay, cũng còn nhiều ngộ nhận về sản xuất thực phẩm hữu cơ, tức là dùng phân hữu cơ. Nhưng đâu phải chỉ dùng phân hữu cơ là đủ? “Xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, cần xem xét thực trạng kinh tế, khả năng tiêu dùng nói chung của người dân. Vì vậy, vẫn cần khuyến khích các loại thực phẩm an toàn và sạch, đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn cần thiết” - bà Hạnh nói.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty cổ phần Vinamit lại cho rằng, hiện đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh trong khi đầu tư ban đầu rất lớn, thị trường tiêu thụ không được cam kết để đảm bảo duy trì sản xuất.
Có một nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu, trong khi đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay quy mô còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra.
Theo ông Viên, nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ. “Mặt khác, ngoài một số ít DN lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy định, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ của Nhà nước. Hơn nữa, quy trình sản xuất lại khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất khi sản xuất nhỏ lẻ rất cao” - ông Viên nói.
Ông Lý Hoàng Hải - đại diện một DN chuyên cung cấp các thiết bị test thực phẩm cho biết, hiện nay, thiết bị test nhanh phải mất 2-3h mới có kết quả và thường chỉ cho ra kết quả có dư lượng cao, còn việc test cho kết quả tốt nhất phải đợi tới vài ngày và chi phí rất tốn kém. Vì vậy, không thể kiểm soát được sản phẩm cuối cùng mà chỉ có cách giám sát, kiểm tra ở quy trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển.