Giới trẻ và cơ hội tiếp cận nhiếp ảnh

Hoàng Minh-Quốc Trung (thực hiện) 31/08/2023 06:52

Với sự phát triển của công nghệ, nhiếp ảnh đang dần được phổ cập rộng rãi trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, để nâng tầm cho nhiếp ảnh đạt được những quy chuẩn về nghệ thuật vẫn còn đó một hành trình dài. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền - Phó khoa Đồ họa, Viện Đào tạo quốc tế UniDesign đã có cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền.

PV: Tham gia công tác giảng dạy nhiều năm, ông đánh giá sao về sự phát triển của nhiếp ảnh trẻ hiện nay?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền: Trong những năm trở lại đây, nhiếp ảnh Việt Nam đã mang tới một nguồn sinh lực mới với nhiều tác giả trẻ không ngừng tìm tòi sáng tạo mang lại nhiều hình ảnh mới lạ về ngôn ngữ tạo hình nhiếp ảnh. Đặc biệt, hiện nay nhiều nhiếp ảnh trẻ (dưới 35 tuổi) đã là hội viên của trung ương và địa phương. Không những vậy, các bạn trẻ đang có nhiều thuận lợi khi trong thời gian qua nhiều trường đại học trong và ngoài nước đã tổ chức các chương trình đào tạo hệ chính quy về nhiếp ảnh. Đây là cơ hội để các tay máy trẻ được học tập trong những môi trường chuyên nghiệp, bài bản.

Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ cũng đã tự tìm tòi, họp tập để nâng cao kiến thức nhiếp ảnh của mình. Minh chứng là trong các Festival Nhiếp ảnh trẻ thường niên do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức đã có sự gia tăng về số lượng các bạn trẻ tham gia, với nhiều tác phẩm ấn tượng.

Tuy nhiên, các tay máy trẻ hiện nay cũng đang gặp phải nhiều hạn chế trong việc chọn đề tài, phương pháp và hình thức thể hiện chưa được mới lạ… Bên cạnh đó, nhiều mảng đề tài do đã được các thế hệ đi trước khai thác nên cũng đặt ra thách thức lớn cho người trẻ trong việc “làm mới”.

Cùng với các loại hình nghệ thuật, vấn đề vi phạm bản quyền cũng rất nhức nhối và nhiếp ảnh không phải ngoại lệ. Vậy, cần làm gì để tạo được một “bức tường lửa” ngăn chặn tình trạng này?

- Tuy đã có Luật Bản quyền nhưng việc vi phạm bản quyền vẫn diễn ra thường xuyên. Lỗ hổng dẫn đến thực trạng này bắt nguồn ngay từ chính các tác giả. Nhiều nhiếp ảnh gia hiện nay khi công bố tác phẩm không kiểm soát được “đường đi” của “đứa con tinh thần” của mình. Như có tham gia cuộc thi nhiếp ảnh nào không? File ảnh cung cấp cho tổ chức nào không? Hơn nữa, nhiều tác giả cũng không đăng ký bản quyền. Bên cạnh đó, dù đã có các quy định trong Luật Bản quyền nhưng khi phát hiện ra những sai phạm thì các cơ quan có thẩm quyền không có sự vào cuộc một cách ráo riết, triệt để. Chưa kể các văn bản quy định hiện nay còn chồng chéo và có quá nhiều đơn vị tham gia giải quyết vụ việc… dẫn đến việc làm khó, gây lúng túng cho nhiều tác giả.

Một trong số những bức ảnh trong bộ ảnh Lễ hội cầu nước của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền - Huy chương vàng ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018.

Để thị trường nhiếp ảnh phát triển, chúng ta phải vượt qua những rào cản nào, thưa ông?

- Nhiếp ảnh nghệ thuật mang ngôn ngữ đặc biệt vì nó phản ánh hiện thực một cách sinh động và hiện thực. Chính vì vậy, hiện nay chỉ có thể loại ảnh phong cảnh là nhiều cơ hội tham gia thị trường so với các thể loại như tĩnh vật, chân dung… Hơn nữa, trong thời đại công nghệ phát triển, nhiếp ảnh đang sử dụng những công cụ máy móc hiện đại để truyền tải các yếu tố nghệ thuật và mọi người đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Từ đó, dẫn đến các tác phẩm nhiếp ảnh đang được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội và gần như cung cấp cho công chúng hoàn toàn miễn phí. Chính thực tế này đã tạo ra những rào cản cho sự phát triển của thị trường nhiếp ảnh hiện nay. Cùng với đó, hiện chúng ta cũng chưa có nhiều tác phẩm ảnh thực sự đặc sắc, ấn tượng để thuyết phục công chúng “mở hầu bao”. Nhìn chung là thị trường nhiếp ảnh Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn “khởi động” chưa thể sôi động so với các loại hình nghệ thuật khác.

Ông có lời khuyên nào dành cho những người mới bắt đầu với nghệ thuật nhiếp ảnh?

- Tôi muốn gửi đến các bạn mới bắt đầu một điều khá thực tế, rằng trước khi bạn có thể yêu và muốn gắn bó lâu dài với nhiếp ảnh, bạn sẽ phải hy sinh rất nhiều thứ. Đó là tiền bạc, thời gian, mồ hôi, xương máu. Thế nhưng nếu bạn thật sự muốn học hỏi, kiên trì và cầu tiến tôi tin bạn sẽ chạm được vào điều mà mình muốn. Trước đây tôi từng là học sinh chuyên văn, nhưng “dòng đời” đưa đẩy trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, giáo viên dạy nhiếp ảnh thay vì gắn bó với các áng văn thơ trữ tình.

Nhiếp ảnh là hơi thở, là tình yêu, ở đó ta tìm thấy chính mình. Không ai đánh thuế đam mê, vậy nên các bạn đừng ngại trải nghiệm khi vẫn còn trẻ. Dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa ảnh của thế hệ trước so với thế hệ 9X bây giờ, đó là giới trẻ ngày nay có xu hướng chỉnh màu cho ảnh chụp sự kiện để nó mang nhiều sắc thái hơn. Nghệ thuật nhiếp ảnh là biến đối tượng đẹp hơn bản thân đối tượng đang có. Bởi thế nên ống kính sẽ luôn chuyển động để tìm kiếm giây phút điển hình và tài năng người cầm máy cũng được chứng minh qua các khoảnh khắc đắt giá ấy. Tôi nhớ về một nhân vật đặc biệt mà tôi đã từng chụp, đó là em Lê Thị Thắm. Cô bé bị chất độc màu da cam, mất đi đôi tay từ lúc lọt lòng và phải viết bằng chân. Tôi chỉ có 3 tiếng để hoàn thành bộ ảnh nhưng đã mất 2 năm để tìm hiểu, làm quen và trở thành một người bạn thực sự của Thắm. Đối với thể loại ảnh ký phóng sự, nghiên cứu đối tượng là điều đặc biệt quan trọng. Bạn phải hiểu không gian họ sinh sống, hiểu cả thói quen và giờ giấc sinh hoạt của họ để lựa chọn góc chụp phù hợp. Đặc biệt, trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng cần chủ động với sự vật, sự việc hòng chớp lấy khoảnh khắc đắt giá. Đây chính là cách tôi áp dụng để tạo ra những bức ảnh ưng ý nhất.

Trân trọng ơn ông!

Hoàng Minh-Quốc Trung (thực hiện)