Thăng hoa từ văn hóa dân tộc
Từng hoạt động sôi nổi trong các loại hình nghệ thuật thể nghiệm như sắp đặt, trình diễn, video art... nhiều năm trở lại đây, họa sĩ Nguyễn Tuấn tập trung khai thác đề tài văn hoá dân gian qua chất liệu sơn dầu và giấy dó. Trong quá trình sáng tạo bộ tranh “Tĩnh không” được trưng bày tại TP HCM đầu tháng 9/2023 này, hoạ sĩ Nguyễn Tuấn đã tiếp xúc với nhiều nghệ nhân dân gian danh tiếng, để hoà nhịp vào từ thần thái đến thăng hoa cảm xúc bên trong họ, từ đó, nhận ra những tinh hoa từ triết lý cuộc sống đến những ẩn tàng sâu sắc của văn hoá dân tộc.
Đề tài về văn hóa dân gian rộng mở khi Nguyễn Tuấn chuyển vào sống tại TPHCM. Suy nghĩ và không gian trong tranh của anh dần thay đổi. Anh tìm thấy góc của riêng của mình.
Hoạ sĩ Nguyễn Tuấn tâm sự: “Trong tranh, tôi dùng thủ pháp biểu hiện qua tổng thể từ dáng người đến biểu cảm chân dung, từ ngón tay đến dáng ngồi, từ vệt chảy của màu đến nếp nhăn chất liệu đều cố gắng tạo nên sự phiêu du nhất định. Vậy nên nếu không có những khuôn mẫu đó thì điều muốn nói sẽ không còn ý nghĩa, mặc dù qua tranh của tôi thì những nghệ nhân, thiền sư đó chỉ là phảng phất mà không đặc tả cái vẻ bề ngoài của họ”.
Để nắm được thần thái của mỗi nghệ nhân, thiền sư để thể hiện được trên tranh, với Nguyễn Tuấn là một chặng đường dài. Trong quá trình tìm tòi sáng tạo, anh đã theo học và tiếp cận những nghệ nhân những nghệ sĩ danh tiếng để được hòa quyện tâm hồn, cảm được thần thái, thăng hoa khi đắm chìm trong tác phẩm mà họ tạo ra. “Không còn bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, lúc đó họ chỉ còn tâm hồn bên trong mà thôi. Tìm đến cảm hứng bất tận, càng đi sâu vào ta càng có nhiều điều khám phá hơn với nền tảng văn hoá ẩn giấu những triết lý, kinh nghiệm bài học cuộc sống để rồi dùng những cấu trúc hình thể và màu sắc tạo nên những tác phẩm, với những dáng phiêu linh, những lắng đọng hay vệt loang chảy gợi nên sự đồng điệu với nội tại của nhân vật trong tranh - là những nghệ sĩ tài hoa bên nhạc cụ của mình” - hoạ sĩ Nguyễn Tuấn tâm sự.
Sau nhiều thời tìm tòi sáng tạo và hoàn thiện bộ tranh “Tĩnh không”, với Nguyễn Tuấn như một sự khởi đầu. Anh đang và sẽ tiếp tục đi theo chủ đề này, với mong muốn công chúng hiểu phía sau ánh đèn sân khấu là thế giới của những nghệ sĩ làm việc nghiêm túc trong thầm lặng nhiệt huyết. Trong các bức tranh, anh không vẽ phần không gian phía sau bởi với anh, không gian đó đã nằm trong suy nghĩ của mình.
Qua bộ tranh, Nguyễn Tuấn mong muốn góp một chút công sức nho nhỏ lan toả tình yêu với văn hoá truyền thống, là tài sản vô cùng quý báu mà cha ông ta đã truyền lại: “Sự đa dạng trong văn hoá của chúng ta, khá là khó xác định được điều nào là thuần Việt, điều nào là vay mượn, bởi nền lịch sử nước Việt Nam đã trải qua thật nhiều biến động, nhưng về phương diện là một hoạ sĩ, tôi nhìn thấy cái đẹp tiềm ẩn trong con người Việt, cái tâm hồn và những giá trị giàu tính nhân văn và giáo dục”.
Ngoài đam mê vẽ, Nguyễn Tuấn còn vẽ bìa sách, dạy các bạn nhỏ vẽ và đôi khi anh thích đi lang thang, thích nghe và xem các chương văn hoá và chơi với các con, hoặc đơn giản là nhâm nhi li cà phê. Bộ tranh “Tĩnh không” ra mắt công chúng tại TPHCM cũng là mốc thời gian 5 năm anh đã làm việc và sống ở một thành phố mới, cũng cùng trải qua những năm đại dịch của thành phố cùng những khó khăn phía sau...