Phụ nữ trên 40 tuổi cần tầm soát ung thư vú
Ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi khu vực Đông Nam Á là 41,2/100.000 phụ nữ và tử vong là 15/100.000 phụ nữ, con số này ở Việt Nam lần lượt là 34,2/100.000 nữ giới và 13,8/100.000 phụ nữ.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ngày nay, với sự tiến bộ của các phương thức chẩn đoán như siêu âm kết hợp chọc hút tế bào, giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch..., kết hợp với các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, nội tiết, các thuốc điều trị đích, miễn dịch... đã kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Đơn cử trường hợp bệnh nhân V.T.T. (66 tuổi ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết, bà phát hiện mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 2 từ tháng 3/2019. Trước đó, bà T. có sức khỏe tốt và không có dấu mắc bệnh. Tình cờ, bà phát hiện ra 1 cục cứng rất nhỏ ở vú to bằng hạt ngô, nhưng không đi khám ngay. Chỉ đến khi ấn vào cục cứng đó thấy đau mới đi khám bệnh. Rất may, bệnh mới chỉ ở giai đoạn 2.
Bệnh nhân T. cho biết, đã được chỉ định xạ trị 3 lần, hiện sau kiểm tra, bệnh tiến triển tốt. Nhờ sự tư vấn và nói chuyện, chia sẻ với các bác sĩ mà tinh thần của bệnh nhân tốt lên từng ngày, việc điều trị rất có hiệu quả.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ung thư vú là bệnh lý ác tính thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới cũng như Việt Nam. Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ sau 40 tuổi. Các đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư vú bao gồm những người sinh con muộn, không cho con bú, những người trong gia đình có mẹ hoặc bà, anh chị em mắc bệnh ung thư vú… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến vú như xơ nang tuyến vú người béo phì, lười vận động, ăn thức ăn nghèo vitamin, hút thuốc lá, uống rượu, môi trường độc hại, ô nhiễm cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú.
“Mặc dù ung thư vú có tỷ lệ mắc mới cũng như tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị, ung thư vú là bệnh lý có thể phát hiện ở giai đoạn sớm và điều tri khỏi hoàn toàn. Cho đến thời điểm hiện tại thế giới đã cập nhật xét nghiệm sinh học phân tử, xét nghiệm gen, để biết được một người có nguy cơ mang gen mắc bệnh hay không. Xét nghiệm gen BRCA1, BRCA2 là 2 gen có liên quan đến ung thư vú và buồng trứng ở nữ giới, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Nếu phát hiện một người mang gen có nguy cơ gây bệnh, từ đó giúp tầm soát sớm ở giai đoạn sớm” - PGS. TS Phạm Cẩm Phương khẳng định.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà. Giảm một số chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… tránh ăn mỡ, da động vật; thực phẩm chế biến sẵn; Ăn nhiều những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn... Đồng thời, khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.