Triển vọng FDI
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, các tập đoàn kinh tế thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn quyết định mở rộng dự án hoặc đầu tư mới vào Việt Nam. Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có những bước tiến bộ đáng kể.
Việt Nam thăng hạng ngoạn mục FDI
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam đã “thăng hạng ngoạn mục” về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ vị trí thứ 136 vào năm 1986 lên vị trí thứ 28 trên thế giới, vào năm 2022. Ngay trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn được duy trì và bảo đảm hàng hóa xuất khẩu. Khi điều kiện thay đổi, việc các doanh nghiệp (DN) nước ngoài vẫn dành sự quan tâm và đầu tư vào Việt Nam chính là nhờ sự quyết tâm của Chính phủ, môi trường kinh tế, chính trị ổn định so với các nền kinh tế khác.
Theo đánh giá chung với điều kiện đủ Việt Nam là nền kinh tế mở, đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã có thêm điều kiện cần để từ đó mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa chất lượng cao. Điều này tạo nên sức hấp dẫn với các nhà đầu tư tiềm năng.
Tính đến nay, hơn 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng lên hàng năm. Làn sóng FDI có khuynh hướng tập trung vào các ngành nghề hàm lượng chất xám cao như công nghiệp phần mềm, điện tử tin học, dược phẩm, cơ khí chính xác.
Dữ liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính chung trong 8 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới và hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tăng. Có hơn 1.920 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đăng ký mới đạt hơn 8,8 tỷ USD. So với cùng kỳ, số dự án tăng gần 70% và gần 40% xét về số vốn. Đồng thời, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng mức đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,5 tỷ USD.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như: Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai…
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, hiện, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Theo Kết quả khảo sát năm 2022 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với các DN Nhật Bản tại Việt Nam: 60% DN sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khối ASEAN; Việt Nam có lợi thế về tiềm năng tăng trưởng cao, DN có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu; 56,5% DN sẽ xem xét thúc đẩy mức độ thu mua nội địa hóa tại Việt Nam cao hơn, đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cho thiết bị, thúc đẩy tự động hóa, số hóa nhằm tiết kiệm nhân lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất…
Mở rộng các khu công nghiệp
Mới đây Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1004 ngày 29/8/2023 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) VSIP Thái Bình (gọi tắt là Dự án).
Theo đó, nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần phát triển đô thị và KCN Việt Nam Singapore. Dự án được triển khai ở xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với quy mô sử dụng đất là 333,4ha.
Trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore diễn ra vào ngày 29/8 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ công bố văn kiện ghi nhớ hợp tác gồm: phát triển 10 dự án VSIP tại các địa phương (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi); Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư KCN của VSIP tại 4 địa phương (Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận). Như vậy, sắp co thêm nhiều KCN Việt Nam - Singapore.
Thời gian gần đây các địa phương tích cực “lên đời” các KCN, nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
Tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương - nơi có diện tích đất công nghiệp lớn nhất cả nước, tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện đã vượt mức 90% cũng đang chuẩn bị xây dựng hàng loạt KCN mới. Đầu tháng 7/2023, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua đồ án quy hoạch KCN Việt Nam - Singapore III (VSIP III) giai đoạn II, với diện tích hơn 800ha và KCN Cây Trường 700ha.
Theo quy hoạch sử dụng đất KCN thời kỳ 2021-2030, Bình Dương ưu tiên đầu tư 18 dự án KCN với diện tích đất tăng thêm là 6.573ha. Dự kiến, đến năm 2050, tổng số KCN trên địa bàn tỉnh là 46 KCN, với tổng diện tích 24.338ha.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trung Tín - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết thời gian tới định hướng thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ chuyển sang hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh để tạo sức hút mới.
Tương tự tỉnh Long An - địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành lập mới 17 KCN, với diện tích tăng thêm gần 3.200 ha, nâng tổng số KCN toàn tỉnh lên 51 khu với diện tích 12.433ha. Khi đó, Long An sẽ là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Bình Dương) về diện tích các KCN. Ngoài ra, Long An cũng quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.808ha; đến năm 2030, tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 72 cụm, với tổng diện tích 3.989ha.
Còn Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Đào Minh Chánh cho biết, Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư trên thế giới, là điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực trong những năm gần đây. Để đẩy mạnh thu hút vốn FDI trong thời gian tới, TPHCM đang triển khai Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, trong ngắn hạn và trung hạn, TPHCM ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin. Không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… và áp dụng các tiêu chí đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá, trong 2 năm qua, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đã tăng lên đáng kể trong các KCN lớn của Việt Nam, đã thu hút được đầu tư FDI cũng như đầu tư trong nước.
Cũng theo nhìn nhận của vị chuyên gia này, các KCN cần trang bị đầy đủ hạ tầng, bổ sung các dịch vụ liên quan để hút được các nhà đầu tư lớn từ các nước Âu - Mỹ.
Phát triển nhân lực
Để thu hút vốn FDI trong thời gian tới, theo Cục Đầu tư nước ngoài cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trong đó chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam; Chú trọng công tác đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN FDI, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai. Tăng cường công tác phối hợp với các hiệp hội DN, ngành nghề, hiệp hội DN nước ngoài.
Bên cạnh đó Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng.
Chính phủ có các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam. phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, điều cần thiết nhất với các DN FDI chính là nhân lực. Thế mạnh của Việt Nam là có nguồn nhân lực có năng suất lao động cao so với chi phí nhân công. Việt Nam cũng đang xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật và năng suất lao động của nguồn nhân lực; đặc biệt, sẽ chuyển đổi sang đào tạo dựa trên nhu cầu thực chất của DN, đào tạo có tính ứng dụng cao thay vì mô hình đào tạo như trước đây.
“Với những nỗ lực, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cũng như cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng, các chính sách phù hợp… các nhà đầu tư nước ngoài đang tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Với tinh thần đó, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam sẽ có những khởi sắc tích cực” - ông Hoàng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù thu hút đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra và cạnh tranh giữa các nước trong thu hút đầu tư ngày một gay gắt, song vẫn ghi nhận kết quả tích cực ở cả vốn đăng ký và giải ngân. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Khi những dự án này được triển khai, động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ được cải thiện.