Thành tựu của Đổi mới

Ngọc Quang 01/09/2023 07:43

Năm 1986, Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới đất nước. Nhìn lại chặng đường hơn 36 năm qua, với biết bao quyết tâm, nỗ lực đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn. Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26/1/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5km, là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng hiện nay vừa thông xe ngày 30/8/2023.

Từ vị trí thứ 9/10, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 trong ASEAN

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ở thời điểm năm 1986, GDP Việt Nam chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD. Trong số 9/10 quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp trên Myanmar (5,15 tỷ USD). Tuy nhiên, 36 năm sau, GDP Việt Nam đã tăng gấp 50 lần, đạt khoảng 406,45 tỷ USD. Đặc biệt, giai đoạn 1986-2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới; bao gồm: Equatorial Guinea (GDP tăng 180,78 lần), Trung Quốc (GDP tăng 60,15 lần), Qatar (GDP tăng 53,51 lần), Việt Nam và Maldives (GDP tăng 39,28 lần).

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa xây dựng nền kinh tế tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Đáng chú ý, giai đoạn 1986-2022, GDP Việt Nam tăng nhiều nhất trong khối ASEAN. Điều đó cho thấy sức vươn lên mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, khi áp dụng chính sách mở cửa, hội nhập sâu rộng, làm bạn với tất cả các nước. Nội lực nền kinh tế được tăng cường, xuất khẩu quy mô ngày càng lớn hơn khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính đến năm 2022, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA, trong đó có 15 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi.

Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu

Một dấu mốc quan trọng là vào ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự kiện lớn này đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trước đó, ngày 7/11/2006, lễ kết nạp Việt Nam gia nhập WTO được tổ chức tại trụ sở WTO ở Geneva, Thụy Sĩ.

Đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, WTO cùng với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 15 FTA đã thực thi là những cánh cửa lớn, đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng, đầy đủ, hiệu quả hơn.

Đến năm 2016, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, nếu năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD (xuất khẩu 39,8 tỷ USD); thì đến năm 2021 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt tới 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và tăng hơn 7 lần so với năm 2006. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.

Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, từ 1,77 tỷ USD (năm 2016); 2,1 tỷ USD (năm 2017); 6,8 tỷ USD (năm 2018); 10,9 tỷ USD (năm 2019); trên 19 tỷ USD (năm 2020) và năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt mức xuất siêu gần 4 tỷ USD.

Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO ghi nhận trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, thì Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019 và lọt vào tốp 20 năm 2021.

Thu nhập bình quân của người trưởng thành tăng nhanh

22 năm trước, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành Việt Nam chỉ đạt hơn 1.500 USD/năm, hiện tại đã thay đổi ra sao?

Mới đây, ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse đã công bố Báo cáo thường niên Global Wealth Report 2023 về tài sản toàn cầu. Dữ liệu của báo cáo được đánh giá dựa trên tài sản ước tính của 5,4 tỷ người trưởng thành trên khắp thế giới, thuộc tất cả các nhóm khác nhau trên thang tài sản.

Đáng chú ý, Báo cáo cho biết, tổng tài sản của hộ gia đình trên toàn cầu đã giảm trong năm 2022, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do lạm phát và sự tăng giá của đồng USD.

Theo bà Nannette Hechler Fayd - Trưởng bộ phận kinh tế học và nghiên cứu của Credit Suisse, nếu xét theo tiêu chí giá trị tài sản của một người trưởng thành, tài sản của mỗi người trưởng thành đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, Việt Nam thuộc nhóm "cận giàu có", với giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành dao động trong khoảng từ 5.000 - 25.000 USD/người.

Cụ thể hơn, dữ liệu của Credit Suisse chỉ ra rằng, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam đạt 14.569 USD vào năm 2022. Trong khi đó, vào năm 2000, con số này chỉ đạt khoảng 1.595 USD. Có thể thấy, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam đã tăng gấp 9 lần trong vòng 22 năm.

Thành tựu xóa đói, giảm nghèo

Bên cạnh ghi nhận tốc độ phát triển ngoạn mục của kinh tế, các tổ chức quốc tế còn đặc biệt đánh giá cao thành tựu về xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam. Đây là một trong những thành công nổi bật nhất thể hiện ý nghĩa nhân văn của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).

Hơn 13 nghìn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài.

Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được công bố bởi Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho thấy, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

Thành tựu kinh tế Việt Nam là minh chứng cho công tác tổ chức của Chính phủ, ý chí của người dân. Đó là nhận xét của Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski. Những nỗ lực của Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Năm 2022, GDP của Việt Nam ước tính tăng 8,02%, dẫn đầu các nước Đông Nam Á. Trong năm 2022, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei và đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế (theo báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường Fitch). Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng đạt 6,5% trong năm 2023. Các tổ chức quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều cho rằng Việt Nam sẽ gần như đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như đã đề ra. “Việt Nam hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Tuy nhiên tôi vẫn lạc quan rằng Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới” - Đại sứ Andrew Goledzinowski nói.

Ngọc Quang