Du lịch cất cánh

Minh Long-Kim Thanh 03/09/2023 07:53

Ngày 15/8 chính sách thị thực mới được áp dụng, tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch vào Việt Nam. Đây được xem là cú hích rất mạnh đối với ngành du lịch khi đang bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm.

Bãi trượt cát Mũi Né (Bình Thuận), điểm đến của du khách. Ảnh: Hoài Phương.

1 tháng thu hút hơn 1 triệu khách quốc tế

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so với tháng trước và gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần. Như vậy, chỉ sau 7 tháng, ngành du lịch Việt Nam đã đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế.

Với khách nội địa, trong tháng 7/2023 lượng khách đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Qua đó, đưa tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt.

“Với việc đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng đầu năm, nhiều khả năng ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm” - Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá.

Du khách dạo phố cổ Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ngay trong thời gian thấp điểm của ngành du lịch là nhờ một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch được triển khai trong thời gian qua. Cùng đó là nỗ lực và sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp du lịch đã tìm cách hút khách đến. Nhiều công ty lữ hành phối hợp với ngành hàng không trong nước mở ra các chương trình xúc tiến riêng, đến quảng bá tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút khách.

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã góp phần cải thiện bức tranh du lịch. TAB dự báo trong các tháng tới lượng khách tiếp tục tăng và có thể đạt đỉnh vào tháng 11 với khoảng 1,5 triệu lượt.

Sông nước miền Tây. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng tốc

Năm 2023, du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm này có thể nói kỳ vọng về lượng khách có thể đạt được. Đáng chú ý, khi chính sách thị thực (visa) mới cho phép khách một số nước được miễn visa lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử lên 90 ngày, có hiệu lực từ ngày 15/8 được xem là cơ hội để du lịch Việt Nam đẩy mạnh thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia dự báo, từ nay đến cuối năm thị trường khách du lịch quốc tế nói chung còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm. Động lực lớn để hút khách quốc tế là các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh chính thức có hiệu lực từ 15/8. Do đó, khả năng cao ngành du lịch sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay.

Đại diện các công ty lữ hành cũng cho rằng, việc chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2023 là cơ hội để các DN quảng bá tới các thị trường mục tiêu ngay trong mùa cao điểm Thu - Đông, từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024. Theo ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour, việc điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh là tin vui với du lịch Việt Nam. Mặc dù các đơn vị kinh doanh đã lỡ mùa du lịch biển nhưng sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho kế hoạch đón khách du lịch mùa Xuân năm 2024. Trước đó, chính sách visa không cạnh tranh là một trong những lý do khiến du lịch Việt Nam phục hồi chậm dù sớm mở cửa sau Covid-19.

Tam Cốc – Ninh Bình hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sau sự cởi mở của chính sách visa, ngành du lịch không thể “đơn thương độc mã” trên hành trình này, mà cần các ngành nghề liên quan cùng đồng hành để khai thác tốt nhất những lợi thế mà chính sách mới mang lại. Để hút khách quốc tế không chỉ ở chính sách visa mà là tổng hợp của các yếu tố như: Chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực độc đáo, không gian văn hóa, giá cả phù hợp…Do đó, cần có sự kết nối chặt chẽ với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên để giải quyết những vấn đề đặt ra trách nhiệm thuộc về cấp quản lý ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và những người cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, ông Herbert Laubichler Pichler - Giám đốc điều hành Alma Resort cho rằng, chính sách visa mới sẽ tạo ra cơ hội nhiều hơn để du lịch thu hút du khách quốc tế. Ngay bây giờ, việc cần làm là tận dụng tối ưu cơ hội này để quảng bá, thu hút du khách đến Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo các công ty lữ hành vẫn còn nhiều rào cản cần sớm tháo gỡ để Việt Nam tiếp tiếp tục đón khách du lịch cao hơn nữa. Một trong những khó khăn đó là Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành du lịch đang chuyển đổi, đang phát triển nên chất lượng còn hạn chế, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ hiện có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần. Sự liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch còn hạn chế; mức chi tiêu của khách du lịch hằng năm tăng chậm, phần lớn chi tiêu là dành cho các dịch vụ như ăn uống, đi lại, lưu trú. Cùng với đó, các địa phương cần quản lý tốt các điểm đến, hình thành những sản phẩm du lịch sáng tạo đáp ứng nhu cầu và để du khách có những trải nghiệm ngày càng tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Chính sách visa thông thoáng hơn mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế là cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ. Chính vì vậy, với trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch, tới đây, Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phê duyệt một số đề án như: Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm.

Minh Long-Kim Thanh