Ẩn hoạ những nắp cống, hố ga bị lấy trộm: Cần giải pháp ngăn chặn
Hành vi tự ý tháo nắp cống, nắp hố ga là hành vi vi phạm pháp luật và tuỳ vào tính chất mức độ hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Có thể xử lý hình sự
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng trong nước theo đó mà được kiến thiết xây dựng rầm rộ. Các khu đô thị, các tuyến đường liên tục được hoàn thiện, đem lại một diện mạo mới cho đất nước…
Tuy nhiên, tại nhiều nơi tình trạng trộm cắp nắp hố ga, song thoát nước thường xuyên diễn ra, gây mất an toàn và ảnh hưởng lớn tới cảnh quan đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật khẳng định, hành vi tự ý tháo nắp cống, nắp hố ga là hành vi vi phạm pháp luật và tuỳ vào tính chất mức độ hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo đó, quy định tại Điểm c, Khoản 5 và Điểm b, Khoản 10 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sẽ xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân với hành vi: Tự ý tháo, mở làm hư hỏng nắp cống, nắp ga các công trình ngầm, hệ thống tuy nen trên đường giao thông. Riêng tổ chức thực hiện các hành vi này thì mức phạt tiền áp dụng sẽ gấp đôi so với cá nhân, phạt từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Đồng thời cá nhân, tổ chức ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Bên cạnh đó, hành vi mất nắp cống, nắp hố ga là hành vi phá hoại tài sản công, có thể bị xử lí theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng, tài sản.
Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc lãnh án phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, trường hợp tháo nắp ga, nắp cống dẫn đến tình trạng chết người, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội giết người. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Về trách nhiệm quản lý nắp cống, nắp hố ga. Trách nhiệm quản lí nắp cống, nắp hố ga thuộc về các đơn vị quản lí hạ tầng đô thị, như Sở Giao thông Vận tải, Sở Công trình Đô thị, Công ty Cấp thoát nước, Công ty Điện lực... Tùy theo loại cống, hố ga mà có đơn vị quản lí khác nhau.
Xong quá trình phát hiện và xử lý hành vi làm mất nắp cống, hố ga còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau phải kể đến như: Thiếu hệ thống giám sát camera trên các tuyến đường; Thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị quản lí và cơ quan công an trong việc truy tìm, bắt giữ và xử lí người vi phạm song song với đó là tình trạng thiếu ý thức của một bộ phân dân cư trong việc bảo vệ tài sản công và báo cáo kịp thời khi phát hiện hành vi này.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, có thể thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường lắp đặt camera giám sát trên các tuyến đường có nguy cơ cao bị mất nắp cống, nắp hố ga.
Thứ hai, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra của các đơn vị quản lí và cơ quan công an để phát hiện và xử lí kịp thời những trường hợp vi phạm.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân về ý thức bảo vệ tài sản công và trách nhiệm pháp lý khi vi phạm.
Thứ tư, tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng, thay thế nắp cống, nắp hố ga bị hỏng hoặc mất.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, tại Hà Nội hay các thành phố lớn khác, đã và đang xảy ra rất nhiều trường hợp nắp cống, nắp hố ga trên đường đột nhiên bị biến mất.
Tình trạng này đã diễn ra từ rất nhiều năm nay, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hậu quả của sự việc này đã gây mất cảnh quan, mỗi khi mưa lớn rác thải trôi xuống hố gây ngập úng, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường đặc biệt là khi lưu thông trong đêm tối có hạn chế không thể quan sát được.
Pháp luật đã có quy định rất cụ thể và rõ ràng, tuy nhiên việc vi phạm vẫn diễn ra hàng ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm. Một trong những nguyên nhân là do chế tài của pháp luật chưa thực sự đủ sức răn đe hay thậm chí là sự quản lý của cơ quan Nhà nước vẫn còn lỏng lẻo.
Trên thực tế, không thể lúc nào cũng có cán bộ túc trực thường xuyên trên các con đường do đó việc phát hiện và xử lý tình trạng này vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng có hành vi rất manh động, thường hành động vào thời điểm, con đường vắng vẻ hay thậm chí là mặc đồ giống như công nhân sửa đường khiến cho người dân không có tâm thế cảnh giác.
Theo Luật sư Hùng, để giảm thiểu và đi đến chấm dứt tình trạng này tiếp tục tái diễn cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan chức năng và người dân.
Cụ thể, tại từng địa phương cơ quan chức năng cần thường xuyên ra quân kiểm tra, giám sát tình trạng cơ sở hạ tầng tại địa phương kết hợp lắp các thiết bị giám sát, camera tại các con đường vắng vẻ nhằm kiểm soát trật tự an ninh an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần có thái độ tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, nhanh chóng trình báo đến cơ quan chức năng nếu nghi ngờ hoặc phát hiện hành vi vi phạm diễn ra.