Gian nan cuộc chiến chống lạm phát
Ngân hàng trung ương châu Âu đã chính thức tăng lãi suất cơ bản lên 3,75%, mức cao nhất trong 22 năm, nhằm đối phó với lạm phát được cho là sẽ diễn biến phức tạp hơn trong những tháng còn lại của năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương châu Âu ở Jackson Hole (bang Wyoming, Mỹ), Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, lãi suất ở EU sẽ được giữ ở mức cao "miễn việc này là cần thiết" để ngăn chặn tình trạng lạm phát kéo dài.
Theo bà Lagarde, mặc dù đang đạt được nhiều tiến bộ nhưng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa giành được thắng lợi. "Trong môi trường hiện nay, đối với ECB, điều này có nghĩa là áp đặt lãi suất ở mức đủ để kiềm chế lạm phát trong thời gian cần thiết, kéo xuống 2% trong mục tiêu trung hạn" - bà Lagarde nói.
Như vậy là kể từ mùa hè năm 2022 tới đầu tháng 9/2023, ECB đã tăng lãi suất tiền gửi 9 lần: từ âm 0,5% lên 3,75%. Trong khi đó, lạm phát tại khu vực đồng Euro đã giảm một nửa trong khoảng thời gian đó, từ mức đỉnh 10,6% xuống còn 5,3%. Bà Lagarde không cho biết liệu ECB có kế hoạch tạm dừng chính sách thắt chặt tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 14/9 tới hay thực hiện tăng lãi suất lần thứ 10 hay không. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng mặc dù lạm phát bề ngoài có vẻ chậm lại nhưng những áp lực cơ bản cũng như rủi ro vẫn tồn tại.
Bà Lagarde nhấn mạnh, các quyết định liên quan đến việc tăng lãi suất trong tương lai của ECB sẽ phụ thuộc vào triển vọng lạm phát, tốc độ tăng trưởng giá cốt lõi và tác động của các biện pháp chính sách tiền tệ: "3 tiêu chí này giúp giảm thiểu sự không chắc chắn xung quanh triển vọng trung hạn, bằng cách kết hợp các dự báo lạm phát, xu hướng mà chúng tôi có thể rút ra từ lạm phát cơ bản và tính hiệu quả của các biện pháp, chính sách của ECB trong việc chống lại xu hướng đó" - Chủ tịch ECB nói.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) lạm phát tháng 8 đã không giảm xuống so với tháng 7, và với những dữ liệu tổng quát có thể thấy tháng 9 này lạm phát của 27 quốc gia liên minh châu Âu (EU) cũng vẫn sẽ ở trên dưới 5%.
Vì sao lạm phát ở EU khó kéo giảm cho dù các ngân hàng trung ương cũng như ECB đã áp dụng nhiều biện pháp can thiệp? Giới chuyên gia tài chính - ngân hàng châu Âu cho rằng điều đó đến từ những thay đổi sâu sắc trong cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu, từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều đó khiến tăng nguy cơ lạm phát và sức ép giá cả dai dẳng hơn. Trên thực tế, điều đó đã tạo ra những cú sốc về giá mạnh hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Một yếu tố nữa khiến lạm phát kéo dài, giá cả leo thang ở EU còn do nhu cầu đầu tư tăng cao và nguồn cung khó khăn, trong khi chuỗi cung ứng đang phải chật vật để hồi phục.
Với Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới cũng gặp nhiều khó khăn kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản vẫn vượt xa mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản đề ra. Theo đó, vào đầu tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng lõi ghi nhận mức tăng cao nhất trong 42 năm qua, kể từ năm 1981. Sự gia tăng này là do giá thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày tăng đều đặn, khiến các hộ gia đình đối mặt với khó khăn về chi tiêu.
Tại thời điểm này, lạm phát ở Nhật Bản đã được cho là “bắt đầu vào giai đoạn hạ nhiệt”, nhưng tốc độ chậm. Với mức lạm phát hiện nay, gánh nặng chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản có thể tăng lên 90.000 Yen (khoảng 650 USD) so với năm tài khóa 2022.
Khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản với 36 nhà kinh tế tư nhân cho thấy, từ nay đến hết năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của nước này vẫn có thể tăng 2,01%. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Ueda Kazuo, cho biết sẽ không thay đổi chính sách hiện tại và hy vọng lạm phát sẽ giảm đáng kể từ tháng 9 này.
Thông tin từ Bộ Lao động Mỹ, trong vòng 12 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này chỉ tăng 3%, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn rất nhiều so với lạm phát lập đỉnh 41 năm ở mức 9,1% vào tháng 6/2022. Tuy nhiên lại có những chỉ dấu mới không kém phần nguy hiểm, đó là sức mua của người tiêu dùng giảm sút, được coi là dấu hiệu của suy thoái; trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự tính sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong thời gian còn lại của năm 2023.