Thành công nhờ sản phẩm đặc thù
Tới thời điểm này, du lịch của TP HCM đã có nhiều khởi sắc. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nổi bật nhất là sản phẩm “kinh tế đêm”.
Gần đây, TP HCM tiếp tục khai thác hiệu quả du khách đến từ các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, với lượng khách của hai khu vực này chiếm lần lượt khoảng 30% và 20% du khách nội địa đến TP HCM. Có được điều này, ngành du lịch TP HCM đã nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường. Từ đó, xác định được những giá trị cốt lõi của ngành du lịch và xây dựng thương hiệu, chiến lược truyền thông từng giai đoạn để tận dụng “cơ hội vàng” phát triển.
Ông Nguyễn Văn Tâm (TP Thủ Đức) lần đầu tiên trải nghiệm tour tham quan đặc biệt Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Trụ sở HĐND - UBND TP HCM chia sẻ, đến đây, chúng tôi được tìm hiểu kiến thức về các giao thoa văn hóa trên hoa văn, lối kiến trúc cổ, mỗi du khách cũng được ghi cảm tưởng của mình và nhận quà lưu niệm du lịch. Đây là những trải nghiệm hết sức thú vị của gia đình tôi trong dịp lễ năm nay.
Cũng trong hành trình điểm đến TP HCM trong dịp nghỉ lễ 2/9, gia đình ông Trần Văn Long (TP Hà Nội), cho biết trong những ngày nghỉ lễ, tôi cùng gia đình đi tham quan, trải nghiệm tour buýt đường sông của thành phố. Với giá vé rẻ chỉ 15.000 đồng mỗi lượt, không chỉ được ngắm sông Sài Gòn, các công trình cao tầng dọc sông, tại mỗi bến dừng chân, chúng tôi cũng có thể đặt đồ ăn nhanh, uống cà phê hoặc mua quà lưu niệm để tặng người thân, rất thú vị.
Theo TS Tạ Duy Linh - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP HCM, mới đây Viện này được mời để tư vấn, hỗ trợ thành phố đổi mới, sáng tạo sản phẩm du lịch mới, đã tham gia đào tạo, tập huấn cho bà con xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) về cách làm du lịch cộng đồng. Sở Du lịch TP HCM cũng hỗ trợ hạ tầng gồm các bộ micro thuyết minh di động để Hợp tác xã du lịch cộng đồng Thiềng Liềng (xã Thạnh An) trang bị cho phát triển điểm đến du lịch độc đáo của địa phương. Năm 2023 đánh dấu việc TP HCM chọn thêm nhiều điểm đến du lịch cho chiến lược đầu tư, duy trì top đầu cả nước, trong đó xây dựng hệ thống du lịch thông minh gắn với xây dựng đô thị thông minh.
Hiện nay, hệ sinh thái du lịch này đã xây dựng được các trụ cột, gồm sản phẩm du lịch, nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp, mạng lưới hỗ trợ du lịch và cơ sở hạ tầng của thành phố. Ngành du lịch thành phố cũng đưa ra 8 nhóm giải pháp, trong đó có phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên tài nguyên, lợi thế liên kết vùng, nhân lực du lịch… để phát triển bền vững. Nhóm sản phẩm TPHCM đang có nguồn thu lớn, bao gồm: văn hóa lịch sử, du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội nghị), hội thảo triển lãm, du lịch y tế, du lịch kết hợp ẩm thực, mua sắm.
Bên cạnh dó, ngành du lịch TP HCM cũng được hưởng lợi rất lớn từ sự phát triển hạ tầng giao thông đô thị, nhất là các công trình như cầu Thủ Thiêm 2 (đã khánh thành), tuyến đường sắt đô thị Metro số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên, chuẩn bị khai thác), các công trình cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ) chuẩn bị thông xe… Minh chứng rất rõ nét cho ảnh hưởng này là việc khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 dù chỉ trong thời gian rất ngắn vừa qua nhưng đã đón hàng chục vạn du khách đến tham quan, check-in.
Có thể nói, từ việc không ngừng khảo sát thị trường để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mới, sáng tạo, hấp dẫn đã đem đến cho ngành công nghiệp không khói của TPHCM một cơ hội rất thuận lợi để phục hồi nhanh chóng và bứt phá.
Nhóm sản phẩm TP HCM đang có nguồn thu lớn, bao gồm: văn hóa lịch sử, du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội nghị), hội thảo triển lãm, du lịch y tế, du lịch kết hợp ẩm thực, mua sắm.